Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên thực hiện các cuộc thao dượt quân sự chung

Các lực lượng của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã khởi sự các cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp hàng năm. Khoảng 17000 binh sĩ Mỹ tại Hoa Kỳ và 6000 binh Mỹ đồn trú tại Nam Triều Tiên tham gia cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp cùng với một số, không nói rõ là bao nhiêu binh sĩ Nam Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên mô tả các cuộc thao dượt là để chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng Bắc Triều Tiên, và nói rằng đây là một bằng cớ nữa cho thấy Hoa Kỳ không nghiêm túc trong việc tìm kiếm một giải pháp để giải quyết cuộc tranh chấp về các chương trình phát triển võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Thiếu tá David Oten, phát ngôn viên của lực lượng quân sự Mỹ ở Nam Triều Tiên nhận định rằng Bình Nhưỡng vẫn thường đưa ra những lời tuyên bố như vậy, và ông nói rằng các cuộc thao dợt này thuần túy là vấn đề phòng thủ của Cộng Hòa Triều Tiên, hay Nam Triều Tiên.

Thiếu tá Oten nói rằng các cuộc thao dợt là chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ đề phòng trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Nam Triều Tiên. Và ông nói rằng năm nào thì Bắc Triều Tiên cũng đều phản ứng như vậy.

Các cuộc thao dợt quân sự năm nay, có cả các mô hình được thiết kế bằng máy tính cùng với binh sĩ thật, đã diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng đã tăng cao trên bán đảo Triều Tiên.

Sau hơn hai năm các cuộc thảo luận về các chương trình võ khí hạt nhân được mở ra, tháng trước Bắc Triều Tiên tuyên bố là họ đã có võ khí hạt nhân và dự định sản xuất thêm nữa.

Khi cuộc thao dợt quân sự được đặt tên là Đại Bàng Con khởi sự Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Condoliza Rice đã từ Tokyo đến Hán Thành để thảo luận về việc tìm cách đưa Bắc Triều Tiên trở lại các cuộc thương thảo đa phương về việc bãi bỏ các chương trình phát triển hạt nhân của nước này.

Bắc Triều Tiên đổ lỗi là thái độ thù nghịch của Washington đã khiến cho họ không tham gia các cuộc thương thảo 6 bên gồm hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.

Nhà cầm quyền Bình Nhưỡng cũng phản đối lời của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Condoliza Rice đã mô tả Bắc Triều Tiên như một tiền đồn của chính thể độc tài chuyên chế.