Phúc trình thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về thành tích nhân quyền của Việt Nam

Theo thông lệ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa công bố phúc trình thường niên về thành tích nhân quyền của các nước trên thế giới trong năm 2004. Sau đây là một vài nét đại cương trong phần liên quan tới Việt Nam:

Theo phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thành tích nhân quyền của chính quyền Việt Nam hãy còn kém cỏi, và nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tài liệu này nói rằng chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục khước từ, không cho các công dân trong nước được quyền thay đổi chính phủ. Nhiều nguồn tin cho biết rằng các lực lượng an ninh đã bắn, bắt giữ, đánh đập và có trách nhiệm về sự mất tích của nhiều người trong năm qua. Ngoài ra có tin tố cáo công an Việt Nam đôi khi vẫn đánh đập các nghi can trong các vụ bắt bớ, giam cầm, và thẩm vấn. Một số công dân và du khách nước ngoài đã bị câu lưu, một số vụ bắt bớ vẫn xảy ra chỉ vì đương sự đã bày tỏ chính kiến hay quan điểm tôn giáo một cách ôn hòa.

Vẫn theo phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, các điều kiện trong các nhà giam tại Việt Nam trong năm qua rất khắc nghiệt, nhưng không đến nỗi quá đáng, xét mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Phúc trình về thành tích nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Mỹ còn tố cáo Việt Nam đã khước từ quyền của công dân được xét xử công bằng và nhanh chóng. Chính phủ Việt Nam cũng bị cáo buộc là vẫn tiếp tục cầm giữ các tù nhân chính trị và tôn giáo, hạn chế các quyền riêng tư của công dân, mặc dù Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng ghi nhận là khuynh hướng giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào cuộc sống hàng ngày của phần lớn công dân, vẫn tiếp tục.

Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ nói rằng chính phủ Việt Nam hạn chế một cách đáng kể các quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội. Nhà nước Việt Nam tiếp tục chính sách bấy lâu nay, là không dung chấp hầu hết mọi hình thức bất đồng quan điểm công khai, và tăng cường các nỗ lực theo dõi cũng như kiểm soát việc dân chúng tiếp cận và sử dụng mạng lưới thông tin internet. Tuy nhiên, phúc trình ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã cho phép một số giới chức dân cử và một số thường dân tham gia một số diễn đàn được chấp thuận, được nhiều quyền tự do hơn để bày tỏ ý kiến và lập hội. Các lực lượng an ninh Việt Nam tiếp tục thực thi các biện pháp hạn chế các cuộc tụ tập công khai và cấm du hành đến một số khu vực trong nước, đặc biệt đến vùng Tây Nguyên, và vùng Cao Tây Bắc.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng cáo buộc chính quyền Việt Nam hạn chế quyền tự do tôn giáo, đồng thời cấm hoạt động đối với các tổ chức tôn giáo không đăng ký với nhà nước.

Nhưng bên cạnh các điểm tiêu cực như vừa được đề cập đến, phúc trình về nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng ghi nhận một số điểm tích cực như sau:

Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục các nỗ lực nhằm củng cố các cơ chế qua đó các công dân được đưa kiến nghị lên chính phủ, tạo điều kiện cho các nạn nhân bị đối xử bất công được đòi bồi thường. Ngoài ra, chính quyền Việt Nam cũng đạt được những bước tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sự minh bạch về mặt pháp lý, có lợi cho các hoạt động doanh thương. Nhưng chính quyền Việt Nam không cho phép các tổ chức bênh vực nhân quyền được hình thành và hoạt động.

Trong một nỗ lực nhằm đáp ứng những lời chỉ trích của thế giới về các vấn đề nhân quyền, điều tra những lời cáo buộc về các hành vi vi phạm và thực thi tốt hơn những quy định về bảo vệ quyền làm người, chính quyền Việt Nam đã thành lập một Ủy Ban thường trực liên bộ về các vấn đề nhân quyền.