Việt Nam và Nga hôm 14/1 ký một thỏa thuận về năng lượng hạt nhân và một số thỏa thuận hợp tác khác trong ngày đầu tiên trong chuyến thăm Hà Nội kéo dài hai ngày của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, theo Reuters, AP, AFP và truyền thông Việt Nam tường thuật.
Quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực khôi phục các nhà máy điện hạt nhân của mình sau khi hoãn xây dựng hai nhà máy vào năm 2016 do chi phí tăng vọt và lo ngại về an toàn. Hà Nội hy vọng việc khôi phục này sẽ giúp Việt Nam tự cung cấp năng lượng, đạt được mục tiêu phát triển kinh tế cũng như mục tiêu hạn chế lượng khí thải nhà kính bằng 0 vào năm 2050, theo AP và Reuters.
Thỏa thuận được ký kết giữa công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga và công ty điện lực nhà nước EVN của Việt Nam, theo Bản ghi nhớ ký kết ngày 14/1 được VnBusiness trích dẫn.
Trước đó, vào ngày 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Giám đốc Rosatom, Alexey Likhachev, tại Hà Nội và khẳng định hợp tác về năng lượng hạt nhân với Nga là vì mục đích hòa bình và nghiên cứu vũ trụ là lĩnh vực rất tiềm năng, TTXVN đưa tin.
Đáp lại, Tổng giám đốc Rosatom nói công ty sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng các nhà máy và trung tâm điện hạt nhân, cũng như chia sẻ và bản địa hóa công nghệ hạt nhân của Nga, theo AP.
Mặc dù thông tin chi tiết về thỏa thuận mới được ký kết giữa Rosatom và EVN, nhưng AFP dẫn thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết hôm 14/1 rằng tổng giám đốc Rosatom “rất quan tâm” đến việc hợp tác với Việt Nam trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Dự án này bao gồm hai nhà máy ở tỉnh Ninh Thuận miền Trung với tổng công suất 4.000 megawatt. Dự án ban đầu được phát triển với sự hỗ trợ của Rosatom và tập đoàn JINED của Nhật Bản trước khi các kế hoạch bị hủy bỏ vào năm 2016.
Trong khuôn khổ các thỏa thuận mới ký, Nga cũng cam kết chuyển giao một tàu nghiên cứu hàng hải theo hiệp định giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Khoa học Nga, VnBusiness cho biết thêm.
Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo lâu nay vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cả Moscow, Washington và Bắc Kinh bằng đường lối “ngoại giao cây tre”, vốn từng được cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập và ca ngợi.
Tuy nhiên, thương mại song phương giữa Nga và Việt Nam vào năm 2023 chỉ đạt 3,6 tỷ USD, so với 171 tỷ USD với Trung Quốc và hơn 120 tỷ USD với Mỹ.
Theo AP, trong khi Nga chiếm 80% nguồn cung vũ khí cho Việt Nam kể từ đầu những năm 2000 nhưng con số này đã giảm dần theo thời gian do Việt Nam nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Mishustin được thực hiện theo lời mời của người đồng cấp Việt Nam, nhân dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Mishustin trên cương vị thủ tướng Nga.
Trong ngày đầu tiên ở Hà Nội, ông Mishustin đã có các cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Chính, Tổng bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ông dự kiến sẽ gặp lãnh đạo còn lại trong số “tứ trụ” là Chủ tịch nước Lương Cường vào ngày tiếp theo.
Tại buổi tiếp Thủ tướng Nga, cả ông Lâm và ông Chính đều khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ truyền thống, Đối tác Chiến lược toàn diện với Nga và luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Ngoài ra, hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, việc hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Trong đó, ông Chính đã đề nghị phía Nga ủng hộ việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo trang tin của chính phủ Việt Nam cho biết thêm.
Nga từ lâu đã là nhà cung cấp thiết bị quân sự hàng đầu của Việt Nam và các công ty dầu khí của Nga hoạt động tại khu vực Biển Đông của Việt Nam, bao gồm cả những khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Hoa Kỳ đã áp đặt hàng chục lệnh trừng phạt đối với các công ty con và quan chức cấp cao của tập đoàn Rosatom của Nga. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp mới nhất nhắm vào ngành năng lượng của Nga, mà theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, là “nguồn thu chính của Nga nhằm tài trợ cho cuộc chiến tàn bạo và bất hợp pháp của nước này chống lại Ukraine”.
Rosatom đã mô tả lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức cấp cao của mình là “vô căn cứ và bất hợp pháp” và là “một hình thức cạnh tranh không lành mạnh từ các quốc gia không thân thiện”, theo Reuters.
Hãng tin Anh cho biết thêm rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước phương Tây đối với Nga vì hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine đã cản trở các giao dịch tài chính giữa Hà Nội và Moscow.
Chuyến thăm của tướng Nga diễn ra nửa năm sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 6/2024. Chủ tịch Việt Nam khi đó là ông Tô Lâm đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Moscow.