Các ngoại trưởng EU sắp họp về việc nới lỏng lệnh trừng phạt Syria

Bà Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU.

Các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp vào cuối tháng 1 để thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho biết hôm 12/1 tại Riyadh trước cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Đông và phương Tây và bộ trưởng ngoại giao mới của Syria.

Bà Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, cho biết rằng các bộ trưởng ngoại giao sẽ họp tại Brussels vào ngày 27 tháng 1 để đưa ra quyết định cách thức khối gồm 27 quốc gia này sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria.

Sau 13 năm nội chiến, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bị lật đổ trong một cuộc tấn công chớp nhoáng của lực lượng nổi dậy do nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo cách đây một tháng. Kể từ đó, nhóm này đã thành lập một chính phủ lâm thời tại Damascus.

Bất kỳ quyết định nào của châu Âu về việc nới lỏng lệnh trừng phạt còn phải phụ thuộc vào việc quản trị của chính quyền Syria mới, trong đó phải bao gồm "các nhóm khác nhau", phụ nữ và "không cực đoan hóa", bà Kallas nói, nhưng không giải thích thêm.

Hội nghị hôm 12/1, cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo phương Tây và khu vực do quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực là Ả Rập Xê Út tổ chức kể từ khi ông Assad bị lật đổ, diễn ra trong khi Damascus thúc giục phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt để giúp có thêm nguồn tài trợ quốc tế.

Hoa Kỳ, Anh, Liên minh châu Âu và các nước khác đã áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Syria sau khi ông Assad đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2011 dẫn đến nội chiến. Nhưng thực tế mới ở Syria đã trở nên phức tạp hơn do lệnh trừng phạt đối với HTS và một số nhà lãnh đạo của nhóm này khi còn là một chi nhánh của al Qaeda.

Đức, nước đang dẫn đầu cuộc thảo luận của EU về lệnh trừng phạt, hôm 12/1 đã đề xuất cho phép cứu trợ cho người dân Syria, nhưng vẫn duy trì lệnh trừng phạt đối với các đồng minh của ông Assad, những người "đã phạm tội nghiêm trọng" trong cuộc chiến ở Syria.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trả lời các phóng viên tại Riyadh rằng “chúng tôi tiếp tục giúp đỡ những người dân Syria không có gì, như chúng tôi đã làm trong suốt những năm nội chiến".

Bà cho biết Đức sẽ cung cấp thêm 50 triệu euro cho thực phẩm, nơi trú tạm khẩn cấp và chăm sóc y tế.

Hôm 6/1, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh miễn trừ trừng phạt trong sáu tháng đối với các giao dịch với các tổ chức quản lý tại Syria nhằm nới lỏng dòng chảy viện trợ nhân đạo và cho phép một số giao dịch về năng lượng.

Ngoại trưởng Anh David Lammy đã tham gia các cuộc đàm phán tại Riyadh cùng với các bộ trưởng từ Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Bahrain, Iraq, Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen.

Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc hỗ trợ cho chính quyền lâm thời Syria, "bao gồm các cơ chế để buộc chế độ Assad phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh mà họ đã gây ra đối với người dân Syria", Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong một tuyên bố.