Bộ Tài chính Việt Nam mới đưa ra đề xuất thành lập một đơn vị chuyên trách cấp Cục để “thống nhất tham mưu và quản lý công tác phòng, chống lãng phí trên phạm vi toàn quốc”.
VnExpress hôm 3/12 đưa tin rằng đề xuất này được Bộ Tài chính đưa ra khi xây dựng dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, vốn đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Tin cho hay, Cục Phòng, chống lãng phí “sẽ có nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chế độ, chính sách; triển khai, ban hành các chương trình tổng thể về tiết kiệm, chống lãng phí; hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy định của Luật”.
Ngoài ra, theo VnExpress, Cục này “sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra, và báo cáo Chính phủ, Quốc hội, cơ quan Đảng về kết quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí trên cả nước, cũng như tình hình thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương”.
Đề xuất thành lập Cục Phòng, chống lãng phí của Bộ Tài chính được đưa ra không lâu sau khi Tổng bí thư Tô Lâm nói trong cuộc gặp với Ban Nội chính Trung ương rằng các cơ quan nội chính “phải chú trọng tham mưu đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí”.
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Lâm nói rằng phải có hành động “xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí” đồng thời “gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”.
Theo tờ báo này, ông Tô Lâm nhấn mạnh việc “kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí” và “kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” cũng như “phải kiên quyết bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung, với động cơ trong sáng”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, ông Tô Lâm mới đây đã nói với các cử tri dưới vai trò đại biểu Quốc hội rằng ông và Đảng Cộng sản sẽ “kiên quyết thực hiện việc cắt giảm bộ máy nhà nước dù đây là công việc khó khăn, đụng đến quyền lợi nhiều người mà nhiều khóa trước chưa làm được”.
Theo VnExpress, Bộ Tài chính Việt Nam nói rằng việc thành lập Cục Phòng, chống lãng phí “sẽ không làm tăng thêm số lượng cơ quan, tổ chức hay biên chế công chức, mà chỉ sắp xếp lại nguồn lực hiện có trong ngành”.
Báo điện tử này đưa tin rằng việc thành lập Cục này “được cho là bước tiến nhằm thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc, thúc đẩy trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia”.