Thụy Điển yêu cầu một con tàu của Trung Quốc quay lại lãnh hải Thụy Điển để hỗ trợ cho cuộc điều tra về sự cố đứt cáp quang ngầm gần đây ở Biển Baltic, Thủ tướng Ulf Kristersson cho biết hôm 26/11 nhưng nhấn mạnh rằng yêu cầu này không mang ý nghĩa buộc tội đối với con tàu.
Hai đường cáp ngầm bị hư hại trong vòng chưa đầy 24 giờ hôm 17 và 18/11. Một đường cáp kết nối Phần Lan và Đức, trong khi đường còn lại liên kết Thụy Điển với Litva. Hai vụ này làm dấy lên nghi ngờ về hành động phá hoại, và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng đây có thể là hành động cố ý.
Các cuộc điều tra của Thụy Điển, Đức và Litva đang tập trung vào tàu hàng Trung Quốc Yi Peng 3, vốn rời cảng Ust-Luga của Nga từ ngày 15/11. Phân tích của Reuters về dữ liệu từ MarineTraffic cho thấy tọa độ của con tàu trùng khớp với thời gian và địa điểm xảy ra sự cố hư hại hai đường cáp.
Hiện chưa có bằng chứng xác nhận sự liên quan của con tàu, nhưng người ta cho rằng nó quay lại đây sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy cuộc điều tra.
Con tàu hiện đang ở vùng biển quốc tế nhưng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, được các tàu quân sự Đan Mạch theo dõi chặt chẽ.
“Về phía Thụy Điển, chúng tôi đã liên lạc với con tàu và phía Trung Quốc, đồng thời yêu cầu con tàu di chuyển vào vùng biển của Thụy Điển,” Thủ tướng Kristersson phát biểu trong một cuộc họp báo, nhấn mạnh rằng điều này sẽ hỗ trợ cho cuộc điều tra.
“Chúng tôi không đưa ra bất kỳ cáo buộc nào, nhưng chúng tôi muốn làm rõ điều gì đã xảy ra,” ông Kristersson nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các kênh liên lạc với Thụy Điển và các bên khác liên quan vẫn “không có gì trở ngại” khi được hỏi về yêu cầu của Thụy Điển.
“Tôi muốn nhắc lại rằng Trung Quốc luôn ủng hộ việc hợp tác với tất cả các quốc gia nhằm duy trì an ninh cho các cáp ngầm quốc tế và các cơ sở hạ tầng phù hợp với luật pháp quốc tế,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 27/11.
Các quan chức tình báo phương Tây từ nhiều quốc gia cho biết họ tin rằng con tàu Trung Quốc đã gây ra sự cố đứt cáp ở cả hai tuyến vừa kể. Tuy nhiên, họ có quan điểm khác nhau về việc đây là tai nạn hay hành động có chủ ý.
Theo một quan chức Mỹ, Tình báo Hải quân Hoa Kỳ đánh giá cả hai sự cố này là tai nạn. Tuy nhiên, các quan chức từ các quốc gia khác cho rằng không thể loại trừ khả năng phá hoại.
Bà Katja Bego, nghiên cứu viên cao cấp tại Chatham House, nói với Reuters rằng mặc dù hàng năm có khoảng 150-200 sự cố đứt cáp như vậy xảy ra và phần lớn là do tai nạn, nhưng căng thẳng địa chính trị trong khu vực khiến việc điều tra là điều cần thiết.
Bà nhận định: “Việc điều tra các sự cố như thế này có thể mất rất nhiều thời gian, và ngay cả khi tìm ra thủ phạm, như dường như đang xảy ra trong trường hợp này, việc chứng minh ý định là điều vô cùng khó khăn. Hiện tại, không thể loại trừ cả khả năng phá hoại lẫn tai nạn.”
Nga tuần trước đã bác bỏ những suy đoán cho rằng nước này có liên quan đến các sự cố đứt cáp, gọi đó là “vô lý.”
Ông Kristersson nói ông hy vọng Trung Quốc sẽ phản hồi tích cực đối với yêu cầu di chuyển tàu đến vùng biển Thụy Điển. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đầu tuần này rằng Bắc Kinh đã duy trì “liên lạc suôn sẻ” với tất cả các bên liên quan.
Năm ngoái, một đường ống dẫn khí đốt dưới biển và một số cáp viễn thông chạy dọc đáy Biển Baltic đã bị hư hại nghiêm trọng, và cảnh sát Phần Lan cho biết họ tin rằng vụ việc do một tàu Trung Quốc gây ra do kéo neo.
Tuy nhiên, các nhà điều tra chưa đưa ra kết luận liệu thiệt hại vào năm 2023 đó có phải là do tai nạn hay có chủ đích.