Các nhà lập pháp Việt Nam hôm 25/11 họp bàn về cách tháo gỡ khó khăn và những phương án để giúp cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) huy động tới 22 nghìn tỷ đồng (866 triệu đô la) bằng cách bán cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu, Reuters và truyền thông nhà nước đưa tin.
“Số vốn 22 nghìn tỷ đồng tăng thêm nhằm giúp VNA xử lý dứt điểm các khoản nợ phát sinh do Covid-19 và phục hồi năng lực tài chính”, tờ Giao Thông của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, nhưng không đưa ra khung thời gian cho việc bán cổ phiếu có thể xảy ra.
Đề xuất huy động vốn trên được đưa ra trong Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines, do chính phủ trình lên Quốc hội. Hiện nay, Vietnam Airlines không thực hiện được đề xuất do vướng quy định trong Luật Chứng Khoán và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất.
Việc huy động vốn được chia làm 2 giai đoạn. Trong giao đoạn 1, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ thay mặt chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại VNA với quy mô 9.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2, chính phủ sẽ thực hiện phương án nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng, vẫn theo Giao Thông.
Trước đây, vào năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 135 để “tháo gỡ khó khăn” cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó bao gồm việc cho vay tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu với tổng quy mô 12.000 tỷ đồng. Hồi tháng 7, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, cho phép Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỉ đồng.
Vietnam Airlines là hãng hàng không do chính phủ Việt Nam sở hữu hơn 86% và ANA Holdings của Nhật Bản sở hữu 5,62%.
Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines được cho là để “hoàn toàn phục hồi và phát triển bền vững” trước năm 2035 cho hãng hàng không đại diện cho Việt Nam.