Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn trên thế giới đã kêu gọi một hiệp ước toàn cầu để chống lại nạn đói, thêm viện trợ cho Gaza đang bị chiến tranh tàn phá và chấm dứt sự thù địch ở Trung Đông cũng như ở Ukraine, khi ra một tuyên bố chung hôm 18/11, trong đó có nhiều thông tin chung chung và thiếu chi tiết về cách thực hiện các mục tiêu đó.
Tuyên bố chung đã được các thành viên nhóm thông qua nhưng không đạt được sự nhất trí hoàn toàn.
Khi bắt đầu cuộc họp kéo dài 3 ngày và chính thức kết thúc vào ngày 20/11, các chuyên gia nghi ngờ việc Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo đưa ra bất kỳ thỏa thuận nào tại một cuộc họp bị bao trùm bởi sự không chắc chắn về chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump và sự gia tăng căng thẳng toàn cầu từ các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine.
Argentina đã phản đối một số ngôn từ trong bản thảo ban đầu và là quốc gia duy nhất không thông qua toàn bộ tài liệu.
“Mặc dù chung chung, nhưng đây là một bất ngờ tích cực đối với Brazil”, Thomas Traumann, một cố vấn chính trị độc lập và là cựu bộ trưởng Brazil, nói. “Đã có lúc có nguy cơ không có tuyên bố nào cả. Dù có các hạn chế, đây là một kết quả tốt cho (Tổng thống) Lula”.
Được đưa ra chỉ hơn một năm sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, tuyên bố đề cập đến “tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza và sự leo thang ở Lebanon”, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải mở rộng viện trợ nhân đạo và bảo vệ dân thường tốt hơn.
“Khẳng định quyền tự quyết của người Palestine, chúng tôi nhắc lại cam kết không lay chuyển của mình đối với tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước, trong đó Israel và Nhà nước Palestine chung sống hòa bình bên cạnh nhau”, tuyên bố nói.
Tuyên bố không đề cập đến nỗi thống khổ của Israel hoặc việc khoảng 100 con tin vẫn bị Hamas giam giữ. Israel không phải là thành viên G20. Theo các quan chức y tế địa phương, cho đến nay, cuộc chiến đã giết chết hơn 43.000 người Palestine ở Gaza. Còn theo Bộ Y tế Lebanon, hơn 3.500 người ở Lebanon đã thiệt mạng sau các cuộc tấn công của Israel chống lại Hezbollah.
Việc không thừa nhận sự đau khổ của Israel dường như trái ngược với sự ủng hộ nhất quán của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đối với quyền tự vệ của Israel. Đó là điều mà ông Biden luôn lưu ý trước công chúng, ngay cả khi nói về sự thống khổ của người Palestine. Trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo G20 trước khi tuyên bố được đưa ra, ông Biden đã bày tỏ quan điểm rằng Hamas là nơi duy nhất phải chịu trách nhiệm cho cuộc chiến và kêu gọi các nhà lãnh đạo khác "tăng áp lực lên Hamas" để chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn.
Quyết định nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Hoa Kỳ để tấn công sâu hơn vào bên trong nước Nga của ông Biden cũng ảnh hưởng đến các cuộc họp.
"Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo quan điểm của tôi, mọi người quanh bàn này cũng nên làm như vậy", ông Biden nói tại hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự cuộc họp và thay vào đó cử bộ trưởng ngoại giao của mình, Sergey Lavrov. Ông Putin đã tránh các hội nghị thượng đỉnh như vậy sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ra trát bắt, buộc các quốc gia thành viên phải bắt giữ ông.
Tuyên bố G20 nêu bật nỗi thống khổ của người dân Ukraine trong khi kêu gọi hòa bình, mà không nêu tên Nga.
“Tuyên bố đã tránh chỉ trích những kẻ gây ra tội ác”, Paulo Velasco, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học bang Rio de Janeiro, nhận định. “Tuyên bố không đề cập đến Israel hay Nga, nhưng nêu bật tình hình nhân đạo bi thảm trong cả hai trường hợp”.
Ông Velasco nói thêm rằng toàn bộ tuyên bố thiếu tính cụ thể.
“Tuyên bố này rất phù hợp với những gì Brazil hy vọng... nhưng nếu chúng ta thực sự phân tích kỹ lưỡng, thì đó thực chất là một tuyên bố về ý định. Đây là tuyên bố thiện chí về nhiều vấn đề, nhưng chúng ta có rất ít biện pháp cụ thể, hữu hình”.