Ngoại trưởng Blinken đến châu Âu để thảo luận về Ukraine trước khi Trump trở lại Nhà Trắng

Ông Antony Blinken.

Nhà ngoại giao hàng đầu sắp mãn nhiệm của chính quyền Biden, Antony Blinken, sẽ đến Brussels hôm 12/11 để thảo luận với các đồng minh châu Âu, vốn lo ngại rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể bỏ rơi Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11, Ngoại trưởng Blinken sẽ dừng chân tại Brussels trước các chuyến thăm theo lịch trình tới Peru và Brazil vào cuối tuần này, theo thông báo.

Trong các cuộc họp với các quan chức NATO và Liên minh châu Âu, ông Blinken sẽ "thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine trong việc phòng thủ trước hành động xâm lược của Nga", thông báo của Bộ Ngoại giao cho biết, nhưng không nêu rõ thông điệp mà ông sẽ truyền tải là gì.

Ngoài việc cung cấp hàng tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực mở rộng NATO và tập hợp các quốc gia trên khắp thế giới để cô lập Nga sau cuộc xâm lược toàn diện của Moscow vào năm 2022.

Ông Trump đã chỉ trích sự hỗ trợ của Biden cho Ukraine, làm dấy lên mối lo ngại về sự hỗ trợ trong tương lai của Mỹ cho chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy khi mà phe Cộng hòa kiểm soát Nhà Trắng, Thượng viện và có thể là cả Hạ viện.

Quân đội Ukraine đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Nga dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.000 km, gây áp lực lên lực lượng vốn đã phải căng mình ra của của Ukraine.

Các quan chức của chính quyền Biden cho biết sẽ thúc đẩy triển khai viện trợ đã được phân bổ cho Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, với hy vọng giúp lực lượng của Kyiv đẩy lùi quân đội Nga, vốn đã và đang giành được lãnh thổ.

"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất có thể, bằng cách tăng cường viện trợ từ bây giờ cho đến khi chính quyền kết thúc và phối hợp với các đối tác trên khắp thế giới để đảm bảo họ sẵn sàng can thiệp vào bất kỳ sự không tuân thủ nào", một quan chức Hoa Kỳ giấu tên cho biết.

Các đối tác đó bao gồm các đồng minh châu Âu mà ông Blinken sẽ gặp tại Brussels nhưng cũng có những nước khác như Hàn Quốc, quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng do lo ngại về mối quan hệ liên minh ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên, quan chức này cho biết.

Tuần trước, Ukraine cho biết họ đã đụng độ với một số binh sĩ Triều Tiên trong số khoảng 11.000 lính Triều Tiên được triển khai đến khu vực Kursk của Nga.

Sự trở lại của ông Trump cũng có khả năng đưa vấn đề chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO trở lại trọng tâm. Hầu hết các đồng minh hiện chi tiêu trên mức bắt buộc 2% GDP cho quốc phòng nhưng ông Trump đã nói rằng ông sẽ yêu cầu các đồng minh cam kết 3%.

Ông Trump nhiều năm qua đã chỉ trích các quốc gia thành viên NATO không đạt được các mục tiêu chi tiêu quân sự đã thỏa thuận và cảnh báo trong chiến dịch rằng ông sẽ không chỉ từ chối bảo vệ các quốc gia "trễ hạn" về ngân quỹ đóng góp mà còn khuyến khích Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" với các thành viên NATO.

Dù chưa vạch ra một kế hoạch rõ ràng cho cuộc xung đột, ông Trump đã nói rằng ông sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Ukraine đang nỗ lực để đưa mình vào vị thế mạnh mẽ cho các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.