Đoàn Taliban lần đầu dự hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Azerbaijan

Hình ảnh về COP29 ở Baku, Azerbaijan.

Chính quyền Taliban tại Afghanistan cử đại diện của mình đến Azerbaijan hôm 10/11 để tham dự một hội nghị lớn của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, đánh dấu sự tham gia đầu tiên như vậy kể từ khi phe này nắm quyền cách đây ba năm.

Truyền thông nhà nước Afghanistan đưa tin rằng ông Muti-ul-Haq Khalis, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia, đang dẫn đầu phái đoàn "kỹ thuật" của Taliban, vốn dự kiến sẽ có tư cách quan sát viên thay vì tham gia đầy đủ.

Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, thường được gọi tắt là COP29, dự kiến sẽ bắt đầu ngày 11/11 tại Baku, thủ đô của Azerbaijan và sẽ diễn ra cho đến ngày 22 tháng 11.

Phe Taliban đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán quốc tế gần đây về biến đổi khí hậu vì không có quốc gia nào công nhận họ là những người cai trị hợp pháp của Afghanistan, cũng như họ không được phép nắm giữ ghế của quốc gia này tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Afghanistan nghèo đói được coi là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước cuộc khủng hoảng khí hậu. Gần đây, nước này đã phải hứng chịu những thảm họa nghiêm trọng liên quan đến thời tiết như lũ quét và hạn hán kéo dài.

Ngoài việc phá hủy mùa màng và đất nông nghiệp, lũ quét đầu năm nay đã giết chết hơn 350 người Afghanistan, làm hư hại gần 8.000 ngôi nhà và khiến hơn 5.000 gia đình phải di dời.

Các cơ quan của Liên Hợp Quốc báo cáo rằng thời tiết khắc nghiệt gần đây ở Afghanistan cho thấy tất cả các dấu hiệu của cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng.

Chính quyền Taliban đã tìm cách tham gia các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc, lập luận rằng sự cô lập về chính trị đối với họ không nên ngăn cản họ tham gia các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu và thảo luận về những thách thức mà đất nước họ đang phải đối mặt.

Nước chủ nhà Azerbaijan đã mời các quan chức của cơ quan môi trường Afghanistan đến dự COP29 với tư cách là quan sát viên, cho phép họ "có khả năng tham gia vào các cuộc thảo luận ngoại vi và có khả năng tổ chức các cuộc họp song phương", hãng thông tấn Reuters trích lời một nguồn tin ngoại giao nắm rõ vấn đề này cho biết.

Những giới hạn của Taliban đối với quyền tự do của phụ nữ Afghanistan khiến thế giới ngừng hợp tác với chính quyền của họ. Họ đã cấm trẻ em gái được học quá lớp sáu và cấm các nữ sinh viên khỏi các trường đại học kể từ khi giành lại quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8 năm 2021, khi quân đội Hoa Kỳ và NATO rời khỏi đất nước.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo ban hành luật yêu cầu phụ nữ Afghanistan phải che kín cơ thể và khuôn mặt khi ở nơi công cộng. Ngoài ra, những luật này cấm phụ nữ thực hiện các chuyến đi đường dài trên bộ hoặc trên không trừ khi có người giám hộ là nam giới đi cùng.

Taliban nói rằng sự quản trị của họ phù hợp với cách diễn giải của họ về luật Hồi giáo Sharia và bác bỏ các lời kêu gọi quốc tế về việc đảo ngược các hạn chế đối với phụ nữ vì cho rằng đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan.