Di trú Mỹ dưới thời ông Trump sẽ như thế nào?

  • VOA

Tổng thống đắc cử Donald Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đặt vấn đề di trú lên hàng đầu trong chương trình vận động tranh cử, cam kết mang lại ‘trật tự chưa từng có’ tại biên giới Mỹ-Mexico và thực hiện chiến dịch lớn nhất trong lịch sử trục xuất hàng loạt các di dân bất hợp pháp vào ngày đầu tiên ông nhậm chức.

Trong suốt chiến dịch của mình, ông Trump đã gọi vấn đề di trú là một cuộc khủng hoảng và cam kết sẽ nhanh chóng thực hiện một loạt các chính sách gây tranh cãi nhằm thắt chặt kiểm soát nhập cư trái phép và hạn chế người nhập cư mới.

“Chúng ta sẽ điều chỉnh biên giới của mình... Chúng ta muốn họ trở lại, chúng ta phải để họ quay trở lại. Nhưng phải vào một cách hợp pháp,” ông Trump nói trong bài phát biểu chiến thắng của mình ở Florida hôm 5/11.

Tuy nhiên, quản lý sự tái nhập cảnh của hàng triệu người đề ra những thách thức pháp lý và hậu cần đáng kể.

“Có một niềm tin rằng có hàng ngũ và mọi người nên đứng trong hàng ngũ. Nhưng thường thì không có hàng ngũ gì cả,” ông Mark Hetfield, Giám đốc điều hành của Hebrew Immigrant Aid Society, nói với VOA.

Một báo cáo của Viện Chính sách Di cư cũng nêu ra vấn đề tương tự, cho rằng có nhiều con đường visa khác nhau, mỗi con đường lại có các sự trì hoãn và thời gian chờ đợi khác nhau để có được thẻ thường trú.

Các hạn ngạch hàng năm và hạn chế quốc gia tạo ra sự trì hoãn lớn, một số người xin cấp thẻ phải chờ đợi hàng chục năm.

Nhiều di dân bất hợp pháp có thể không có cách nào để tham gia vào những hàng ngũ này vì các chính sách tái nhập cảnh hạn chế.

Đạo luật Cải cách Di trú và Trách nhiệm Di dân 1996 ngăn cấm việc tái nhập cảnh đối với những di dân có tiền sử ‘hiện diện trái phép’ tại Mỹ. Nếu họ rời đi và muốn tái nhập cảnh hợp pháp, những người đã hiện diện trái phép hơn 180 ngày nhưng dưới một năm sẽ bị cấm tái nhập cảnh trong ba năm. Những người có thời gian hiện diện trái phép hơn một năm sẽ bị cấm tái nhập cảnh trong 10 năm.

Hiện diện trái phép thường bao gồm việc ở lại quá hạn hoặc nhập cảnh mà không qua kiểm tra.

Chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ

Ông Trump đã cam kết sẽ vượt qua số lượng trục xuất trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.


Với kế hoạch sử dụng Vệ binh Quốc gia để bắt giữ những di dân bất hợp pháp, ông Trump cũng đã viện dẫn Đạo luật Kẻ thù Ngoại quốc, một đạo luật thế kỷ 18 cho phép tổng thống trục xuất những người không phải là công dân từ các quốc gia bị coi là thù địch với Hoa Kỳ.
Ông Trump nhắm mục tiêu giảm mạnh dân số di dân bất hợp pháp, điều mà những người ủng hộ ông coi là một bước tiến hướng tới việc phục hồi trật tự, mặc dù những người phản đối cho rằng điều này sẽ dẫn đến các cuộc chiến pháp lý và khó khăn trong hậu cần.

Ông Jeremy Robbins, giám đốc điều hành của Hội đồng Di cư Mỹ, nói với VOA rằng bất kỳ tổng thống nào quyết định trục xuất hàng loạt sẽ gây ra một chi phí khổng lồ cho chính phủ và cũng sẽ tàn phá nền kinh tế.

“Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách và công chúng Mỹ hiểu được những gì sẽ xảy ra: hàng chục tỷ đô la từ tiền thuế của người dân, các ngành công nghiệp vốn đã căng thẳng sẽ bị tàn phá, hàng triệu người bị giam giữ trong các trung tâm tạm giam, và hàng ngàn gia đình bị chia cắt, gây ra sự hoảng loạn và hỗn loạn trong cộng đồng trên khắp đất nước,” ông Robbins nói.

Lệnh cấm đi lại và nhiều vấn đề khác

Chương trình ‘Ở lại Mexico’, một chương trình được khởi xướng trong chính quyền Trump trước đây, dự kiến sẽ được gia hạn. Chính sách này buộc di dân xin tị nạn phải chờ ở Mexico trong khi hồ sơ của họ được xử lý. Cũng dự kiến sẽ được gia hạn là một chính sách trục xuất nhanh chóng di dân và hạn chế nhập cư tại biên giới Mỹ-Mexico.
Một cam kết quan trọng khác mà ông Trump đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử là đảo ngược các sáng kiến dưới thời Biden, những sáng kiến đã cho phép một số nhóm di dân nhập cảnh vào Mỹ một cách hợp pháp.


Dưới thời Biden, mỗi tháng có thể có tới 30.000 di dân từ bốn quốc gia (Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela) được phép đến Mỹ hợp pháp nếu họ đáp ứng các điều kiện nhất định. Ông Trump đã cam kết sẽ chấm dứt các con đường này.


Trong nỗ lực tăng cường kiểm tra những người nhập cảnh vào Mỹ, ông Trump đã hứa sẽ gia hạn và mở rộng lệnh cấm đi lại nhắm vào một danh sách các quốc gia và đề nghị ‘sàng lọc ý thức hệ’ để ngăn chặn những cá nhân ‘điên khùng nguy hiểm, những kẻ thù ghét, những kẻ phân biệt chủng tộc và những kẻ cuồng tín.’


Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết biện pháp này sẽ nâng cao an ninh quốc gia, mặc dù nó đã gây lo ngại về sự phân biệt đối xử và các quyền tự do dân sự.


Ông Trump cũng cho biết ông có kế hoạch chấm dứt chuyện có quốc tịch Mỹ do sinh ra trên đất Mỹ đối với các trẻ em có cha mẹ đang ở Mỹ một cách bất hợp pháp. Điều này sẽ yêu cầu một sự diễn giải lại Tu chính án thứ 14 và dự kiến sẽ đối mặt với các thách thức pháp lý gay gắt.


Mặc dù các kế hoạch di trú của ông Trump nhận được sự ủng hộ từ cơ sở của ông, nhưng chúng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức vận động và các chuyên gia pháp lý, những người cho rằng các cuộc trục xuất hàng loạt và lệnh cấm đi lại có thể dẫn đến vi phạm nhân quyền và gây ra các thách thức pháp lý kéo dài.


Ông Hetfield của Hebrew Immigrant Aid Society nói với VOA rằng các nhà vận động đang lo ngại về những gì một tân chính quyền Trump sẽ làm đối với nhập cư hợp pháp.


“Chúng tôi có thể sẽ kiện nếu ông ấy cố gắng đóng cửa chương trình [tị nạn] và đi quá giới hạn. ... Nhưng điều cốt yếu là tổng thống có rất nhiều quyền quyết định khi nói đến chương trình tị nạn. ... Và đối với tị nạn, [ông ấy] sẽ khiến việc nộp đơn trở nên không thể tại biên giới như ông ấy đã làm với Điều khoản 42 và chương trình ‘Ở lại Mexico’,” ông Hetfield nói.


Michelle Ming, giám đốc chính trị của tổ chức bảo vệ di dân United We Dream, cho biết họ sẽ sẵn sàng ‘bảo vệ’ các gia đình di dân.
“Khi ông Trump nhậm chức, chúng tôi sẽ nhắc nhở ông rằng chúng tôi ở đây để chống lại bất kỳ chính sách nào mà ông ấy cố gắng thực hiện để làm tổn hại đến cộng đồng của chúng tôi.”