Tín hiệu mới từ Nghị định về hội

Hình minh họa. Diễn tập xếp hình thành cờ Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm biến cố 30 tháng Tư, 1975 năm 2015 tại Sài Gòn.

Ngày 8/10/2024 được coi là một ngày đen tối đối với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam vì một Nghị định mới về hội đã được ban hành.

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ra đời làm cho nhiều người vội vàng hồ hởi về một làn sóng mới của Xã hội dân sự.

Rất nhiều người dẫn chứng căn cứ đầu tiên để ban hành là Sắc lệnh về Quyền lập Hội do Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà là Hồ Chí Minh ký ngày 20/5/1957, như là một yếu tố lạc quan cho sự phát triển của hội nói riêng, xã hội dân sự nói chung trong thời gian tới.

Tuy nhiên, sự thực không phải như vậy

Câu chuyện có vẻ khác so với suy nghĩ của nhiều người. Nghị định 126 vừa mới được ban hành có ý đồ rõ rệt hơn trong việc quản lý và kiểm soát hội, thay thế cho Nghị định 45/2010/NĐ-CP, được ban hành 14 năm trước.

Nghị định trước đây do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 21/4/2010 đã tạo cơ sở pháp lý cho nhiều hội đoàn về kinh tế, xã hội ra đời và có ảnh hưởng đến sự hình thành các nhóm xã hội dân sự suốt những năm đầu thập niên 2010s.

Giờ đây câu chuyện sẽ rất khác. Nghị định mới phân cấp, phân quyền, phân khu vực rất rõ ràng giữa các tổ chức chính trị xã hội, giữa các hội, cả về tính chất, quy mô và vị trí địa lý.

Luật “Căn cước” cho các tổ chức Xã hội dân sự

Tư duy quản lý xuất hiện trên từng câu chữ của Nghị định mới do Phó thủ tướng Nguyễn Hoà Bình, vốn xuất thân là một viên tướng Công an ký và sau đây là một số điểm mang nặng tư duy đó:

Thứ nhất: Điều 2 của Nghị định phân biệt rất rõ là không áp dụng với các tổ chức Chính trị -Xã hội gồm: Mặt trận tổ quốc VN, Tổng liên đoàn Lao động Việt nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niện Cộng sản HCM, Hội Liên hiệp phụ nữ VN, Hội cựu chiến binh VN; các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.

Điều này có nghĩa là Nghị định này không liên quan đến Điều 170 của Bộ luật lao động 2019 về “quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” mà 4 năm qua các Tổ chức quốc tế háo hức chờ đợi theo Hiệp định thương Mại Thương mại tự do Việt Nam -Châu âu (EVFTA), và hiện đang giậm chân tại chỗ.

Thứ Hai: Phụ lục 1 của Nghị định liệt kê ra cụ thể 30 Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Các Hội này đóng vai trò như những “xương ngang” đan ra trong xã hội, xuất phát từ trục xương sống là hệ thống Đảng. 30 hội này ghi rõ do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và được hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách. Nếu bất cứ động tĩnh gì xảy ra thì 30 Hội này sẽ đóng vai trò như những ăng ten định hướng, túa ra truyền tải thông điệp của Đảng đến toàn bộ xã hội dân sự.

Thứ ba: Khác với Nghị định 45/2010/NĐ-CP trước đây, Nghị định 126/2024/NĐ-CP mới ban hành đưa ra hàng loạt điều khoản, đặc biệt là Điều 9, quy định rất chặt chẽ về việc “xây dựng cơ sở dữ liệu của hội”. Các thông tin về Ban vận động thành lập hội, hồ sơ chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể cũng như các thông tin về nhân sự của ban chấp hành hội…. đều buộc phải khai báo và được kết nối với các Cổng dịch vụ thông tin quốc gia, các Bộ, UBND Tỉnh, huyện…

Thứ Tư: Một trong những trở ngại lớn lao cho việc hình thành hội theo Nghị định mới nằm tại Khoản 7 Điều 10 là “Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội”. Đây là điểm mới quan trọng so với Nghị định năm 2010 và là yếu tố gây khó khăn cho các tổ chức dân sự hướng đến các hoạt động cộng đồng.

Ngoài ra, hàng loạt điều khoản chi tiết, chặt chẽ khác cũng đã được bổ sung cùng với 17 Mẫu văn bản trong đó có cả Điều lệ, Đơn xin gia nhập….. Ví dụ Điều 4 của Điều Lệ Mẫu (ban hành kèm theo Nghị Định mới) ít nhất 2 lần khẳng định “Chịu sự quản lý Nhà nước của…(7)…, sự quản lý của….(8)….và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Hội”

Nếu làm đúng theo những quy định này thì thực sự Hội chỉ còn là những chiếc xương “tăm” găm vào hệ thống xương ngang, tồn tại như một dạng “đồng phục” do Nhà nước quy định.

Tóm lại, có thể nói rằng: Nghị định mới về hội là một công cụ quản lý sắc bén, là Luật “căn cước” mới dành cho các tổ chức xã hội dân sự.

Qua đó Nhà nước có thể “nắm” được tất cả các tổ chức hội, bất luận to nhỏ, ở tầm quốc gia như các “Liên Hiệp Hội” đến các câu lạc bộ đồng hương sinh viên ở trong trường đại học. (Theo Khoản 4, Điều 4 Nghị định 126/2024/NĐ-CP thì các hội sinh viên hoạt động ở trường Đại học, cao đẳng cũng buộc phải đăng ký và được coi như một hội hoạt động cấp xã).

Kinh nghiệm quốc tế

Hội đã có từ rất lâu, gắn liền với sự phát triển của loài người.

Trên thế giới, hầu hết các hội đoàn là tổ chức riêng tư, phi lợi nhuận, phi chính phủ và có tính tự trị rất cao. Các thành viên hoạt động theo những tôn chỉ, mục đích riêng được xây dựng bởi chính các thành viên và vì các thành viên.

Việc đăng ký với Nhà nước thường là để hưởng các quyền lợi chứ không phải là nghĩa vụ. Ví dụ tại Hoa Kỳ các Hội đoàn xã hội dân sự là những tổ chức tự nguyện, hình thành do sự thoả thuận của các cá nhân mà không buộc phải đăng ký. Khi các hội này đăng ký bài bản theo Điều khoản 501 (c) (3) của Bộ luật thuế Liên bang là để được hưởng quyền lợi (miễn thuế), chứ không phải là một nghĩa vụ.

Mặc dù luôn có xu hướng độc lập với nhà nước nhưng các hội đoàn thực sự là một thành tố quan trọng trong xã hội dân sự, vì nó đảm bảo “lấp đầy” không gian trống giữa nhà nước, thị trường và cá nhân. Nó là một bộ đệm tự thân của xã hội, tồn tại vô cùng phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung.

Các tổ chức này đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy và làm thăng tiến các giá trị của con người. Các hội không chỉ hữu ích về kinh tế, chính trị mà còn góp phần thúc đẩy các giá trị dân chủ, công bằng xã hội và cải thiện phúc lợi chung cho mọi giai tầng xã hội.

Bằng việc “ngâm tôm” Luật về Hội hơn 20 năm nay với 8 lần dự thảo mà lại ban hành Nghị định mới này, Đảng Cộng sản thực sự có một cách tiếp cận vấn đề này rất khác lạ so với bản chất của Hội và thông lệ của hầu hết các chính quyền trên thế giới.

Đảng cộng sản và “De facto”

Ra đời đã gần 100 năm, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn là một tổ chức phi hình thức, với phần lớn các đảng viên ban đầu bắt đầu từ một hội kín là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

Trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, kể từ khi còn là một hội kín cho đến ngày dành được chính quyền và giờ đang “lãnh đạo toàn bộ Nhà nước và Xã hội”, Đảng cộng sản tồn tại như một thực thể chính trị kiểu “de-factor” chứ không phải “De Jure”. Đảng chưa từng đăng ký với một cơ quan nào, chưa một chính quyền nào công nhận.

Điều oái ăm là, trong khi chính mình tồn tại như một thực thể “De facto” thì Đảng cộng sản lại bắt buộc tất cả các hội của dân phải tồn tại như một “De jure”, nghĩa là phải được công nhận và quản lý bằng luật pháp mà Nghị định mới ban hành là một ví dụ.

Tóm lại, Nghị định 126/NĐ-CP là một văn bản hết sức tệ hại trong việc xây dựng xã hội dân sự tại Việt Nam. Những tổ chức như Văn Đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập, Hội anh em dân chủ, hay Hội nạn nhân Formosa… sẽ rất khó có cơ hội đáp ứng được các điều kiện ghi trong Nghị định mới này.

Các hội đó cũng có thể “bị giải thể” bất cứ lúc nào nếu như Nhà nước cho rằng vi phạm Điều 24, là “Làm phương hại đến an ninh quốc qia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mĩ tục….”

Nếu như Nghị Định 45/2010/NĐ-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký năm 2010 được ví như hé cánh cửa ra cho xã hội dân sự thì Nghị định 126/2024/NĐ-CP vừa khép lại cánh cửa đó.

Và đó là một dấu hiệu đáng quan ngại.