Tổng thống Đức kêu gọi Mỹ chớ từ bỏ các đồng minh khi vinh danh Tổng thống Biden

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (trái) trao tặng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden Huân chương Grand Cross đặc biệt, giải thưởng dân sự cao nhất ở Đức, trong buổi lễ tại cung điện tổng thống ở Berlin, vào ngày 18 tháng 10 năm 2024.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ nhớ rằng các đồng minh của mình là không thể thiếu khi ông trao tặng cho Tổng thống Joe Biden huân chương công trạng cao nhất của Đức hôm 18/10 vì những đóng góp cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Chuyến đi cuối cùng của ông Biden đến Berlin để thảo luận về các vấn đề từ cuộc chiến tranh ở Ukraine cho đến cuộc xung đột đang mở rộng ở Trung Đông diễn ra khi cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ đang đến gần trong hơn hai tuần nữa.

Khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử là nguyên nhân gây lo ngại ở nhiều quốc gia châu Âu như Đức, nơi chứng kiến mối quan hệ xấu đi dưới nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông từ năm 2017 đến năm 2021. Ông Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, đang có thế ngang ngửa với Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, trong các cuộc thăm dò.

“Chỉ vài năm trước, khoảng cách đã trở nên quá xa đến mức chúng ta gần như mất nhau”, ông Steinmeier nói trong bài phát biểu sau lễ đón tiếp ông Biden bên ngoài dinh tổng thống tại Berlin với nghi lễ quân đội.

“Khi được bầu làm tổng thống, ông đã khôi phục hy vọng của châu Âu vào liên minh xuyên Đại Tây Dương đúng là chỉ sau một đêm”.

Ông Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ miễn cưỡng hơn ông Biden trong việc tiếp tục ủng hộ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Ông cũng nói rằng viện trợ của Mỹ cho các đồng minh trong liên minh quân sự phương Tây NATO sẽ đi kèm với các điều kiện.

“NATO là một liên minh không thể thiếu”, Tổng thống Steinmeier nói. “Vì vậy, trong những tháng tới, tôi hy vọng rằng người châu Âu sẽ nhớ rằng nước Mỹ là không thể thiếu đối với chúng ta. Và tôi hy vọng rằng người Mỹ nhớ rằng các đồng minh của các bạn là không thể thiếu đối với các bạn”.

Ông Biden nói phương Tây không thể từ bỏ Ukraine, nơi hiện đang phải đối mặt với một mùa đông ảm đạm phía trước, và cảm ơn Đức vì sự ủng hộ của họ. Hoa Kỳ và Đức là những nước ủng hộ quân sự và tài chính hàng đầu của Ukraine.

“Chúng ta không thể bỏ cuộc. Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình. Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải tiếp tục cho đến khi Ukraine giành được nền hòa bình công bằng và lâu dài phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, tổng thống Mỹ nói.

Ông Biden dự kiến sẽ có cuộc hội đàm kín với Thủ tướng Olaf Scholz trước bữa trưa về an ninh, thương mại và các vấn đề kinh tế khác.

Sau đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ bay đến Berlin để tham gia các cuộc đàm phán tập trung chủ yếu vào cách chấm dứt giao tranh ở Ukraine khi lực lượng Nga tiến về phía đông và mùa đông ảm đạm với tình trạng mất điện đang đến gần.

“Câu hỏi chính là bản chất của các đảm bảo an ninh và đó là điều mà chúng tôi sẽ thảo luận vào ngày mai”, ông Macron nói với các phóng viên hôm 17/10.

Cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần

Việc ông Biden thực hiện chuyến công du có thể là chuyến thăm cuối cùng của ông tới châu Âu với tư cách là tổng thống tại Berlin là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ mà ông có với Thủ tướng Scholz.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Sudha David-Wilp của Quỹ Marshall Đức tại Hoa Kỳ, Tổng thống Biden đã xây dựng được lòng tin với Đức ngay từ đầu nhiệm kỳ và đã làm ngơ trong một thời gian về dự án đường ống dẫn khí đốt Biển Baltic Nord Stream 2, vốn được thiết kế để tăng gấp đôi lưu lượng khí đốt của Nga trực tiếp đến Đức.

Mối quan hệ gần gũi hơn đó đã giúp Washington hợp tác chặt chẽ với Berlin sau khi Nga xâm lược Ukraine, với việc Đức nhanh chóng tăng chi tiêu quốc phòng để đáp ứng mục tiêu 2% GDP của NATO trong khi lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga bị cắt giảm.

“Lựa chọn vào ngày 5/11 chỉ là lựa chọn của người Mỹ”, ông Steinmeier nói.

“Và chúng tôi, với tư cách là người châu Âu, cũng có một lựa chọn. Chúng tôi có lựa chọn làm tròn vai trò của mình, kiên định ủng hộ Ukraine, đầu tư vào an ninh chung, đầu tư vào tương lai chung của chúng tôi và như ngài đã làm, thưa ngài, là ủng hộ liên minh xuyên Đại Tây Dương bất kể điều gì xảy ra”.

Berlin cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc trao đổi tù nhân lớn vào tháng 8 giữa Nga và phương Tây, trong đó chứng kiến nhà báo Hoa Kỳ Evan Gershkovich và cựu thuỷ quân lục chiến Mỹ Paul Whelan được trả tự do khỏi nơi giam giữ của Nga.

Bà David-Wilp, cũng là giám đốc khu vực của Quỹ Marshall Đức, cho rằng chuyến công du của ông Biden “là chuyến thăm cảm ơn nhưng cũng là thông điệp muốn gửi gắm rằng ‘hãy tiếp tục hành trình về Ukraine bất kể điều gì xảy ra’”.