Việt Nam, Trung Quốc đàm phán về việc xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bắt tay nhau trước cuộc họp tại Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2024.

Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí xoa dịu căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông, AFP đưa tin hôm 15/10, hơn một tuần sau khi Hà Nội cáo buộc Bắc Kinh “hành xử thô bạo” khi tấn công ngư dân của mình ở quần đảo Hoàng Sa.

“Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển”, AFP dẫn trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam tường thuật về cuộc hội đàm hôm 13/10 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, người đã có chuyến thăm 3 ngày tới Hà Nội vào cuối tuần qua.

Hai lãnh đạo cũng “nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao, ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc’, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được”, tờ báo của chính phủ cho biết thêm.

Vấn đề Biển Đông cũng được nhắc đến khi Thủ tướng Lý gặp Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm ở Hà Nội vào tối 12/10. Hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của sự ổn định trên tuyến đường thủy chiến lược này.

Ông Lâm đề nghị hai bên “tích cực tìm các phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng” và “tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”, TTXVN đưa tin.

Trước đó, vào ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối cuộc tấn công “thô bạo” của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, mà Hà Nội cho biết đã khiến 10 ngư dân Việt Nam bị đánh đập bằng gậy sắt và bị cướp mất cá và thiết bị trị giá hàng nghìn đô la.

Sự việc xảy ra chỉ hơn một tháng sau cuộc gặp giữa Tổng bí thư-Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Lâm hồi tháng 8 ở Bắc Kinh, khi hai lãnh đạo cao nhất đồng ý “nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn các bất đồng” trên biển, theo trang tin của chính phủ Việt Nam.

Tờ South China Mornig Post (SCMP) nhận định rằng chuyến đi lần này của ông Lý đến Việt Nam được coi là dịp để Bắc Kinh xoa dịu căng thẳng giữa hai nước.

Tờ báo có trụ sở ở Hong Kong cho rằng có vẻ như Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực để lấy lòng quốc gia láng giềng Cộng sản giữa bối cảnh cạnh tranh chiến lược trong khu vực với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, tuyên bố của Trung Quốc về cuộc họp không đề cập đến các cuộc thảo luận về Biển Đông. SCMP dẫn tin từ Tân Hoa Xã cho biết ông Lý đã nói với ông Lâm rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để “thực hiện sự đồng thuận quan trọng mà các nhà lãnh đạo cấp cao của hai đảng và hai nước đã đạt được”.

Ông Lý cũng cho biết Bắc Kinh mong muốn “phát huy tình hữu nghị truyền thống, tăng cường trao đổi cấp cao, tăng cường giao tiếp chiến lược, tăng cường đoàn kết và phối hợp” và thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam”.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Lý tới Việt Nam kể từ khi nhậm chức thủ tướng vào tháng 3 năm ngoái. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Trung Quốc đến Việt Nam sau 11 năm.

Trong chuyến thăm, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 10 thỏa thuận, từ hợp tác nông nghiệp cho đến thanh toán mã QR xuyên biên giới và ký một văn bản về việc cập nhật tiến độ các tuyến đường sắt xuyên biên giới, theo Reuters.

“Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục mở rộng miếng bánh hợp tác kinh tế và thương mại với Việt Nam”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lý nói với ông Lâm trong cuộc gặp hôm 12/10.

Ông Lý cũng cam kết rằng Trung Quốc sẽ mở rộng hơn nữa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và hỗ trợ thành lập các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/10 nói rằng chuyến thăm của ông Lý đến Việt Nam “đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp”.

Người phát ngôn Mao Ninh của Bộ này cho biết chuyến thăm thể hiện tầm quan trọng chiến lược của việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, nhất trí làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược toàn diện, đồng thời tái khẳng định lập trường nguyên tắc về các vấn đề lớn, trong đó Việt Nam (và Lào) đều tái khẳng định cam kết kiên định với nguyên tắc một nước Trung Quốc, kiên quyết phản đối các hoạt động ly khai đòi “độc lập của Đài Loan” dưới mọi hình thức và kiên quyết ủng hộ Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu của Trung Quốc.

Việt Nam khẳng định việc thực hiện chính sách “Một Trung Quốc” và công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của Bắc Kinh trong tuyên bố chung được hai bên đưa ra sau hôm 14/10 khi ông Lý kết thúc chuyến thăm Hà Nội.

Về vấn đề Biển Đông, tuyên bố chung, được báo Chính phủ trích dẫn, còn nói rằng hai bên cam kết “không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển.”

Theo tuyên bố chung, “Trung Quốc luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng” trong khi “Việt nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại” của mình.

Tuyên bố cũng khẳng định lại rằng Việt Nam và Trung Quốc “kiên trì tuân theo phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”