Trung Đông đang đứng bên bờ vực. Chỉ vài ngày sau một cuộc tấn công phi đạn hàng loạt vào Israel, Iran đang đe dọa sẽ thực hiện thêm các cuộc tấn công nữa. Israel, đang chiến đấu với các nhóm do Iran hỗ trợ trên hai mặt trận, tuyên bố sẽ trả đũa. Hoa Kỳ đã triển khai hàng ngàn quân đến khu vực này.
Dù không ai mong muốn một cuộc chiến tranh toàn diện, lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn đang gia tăng, khiến khu vực và thế giới trong tình trạng lo lắng.
Mọi chuyện đã đưa đẩy thế nào và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Nguồn gốc xung đột
Cuộc đối đầu hiện tại có thể diễn ra giữa Iran và Israel, nhưng nó là một phần của một xung đột lâu đời hơn trong khu vực, có nguồn gốc từ việc thành lập nhà nước Do Thái vào năm 1948.
Dù các nhà sử học truy vết nguồn gốc của cuộc xung đột này từ xa xưa hơn thế, nhưng việc lập nên Israel đã kích hoạt sự xung đột khắp khu vực cho đến ngày nay.
Israel ra đời từ kế hoạch của Liên hiệp quốc năm 1947 phân chia Palestine, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Anh, thành hai nhà nước Do Thái và Ả Rập, với Jerusalem nằm dưới sự quản lý của Liên hiệp quốc.
Thiểu số Do Thái, được hứa hẹn 56% diện tích đất, chấp nhận kế hoạch này, nhưng đa số Ả Rập lại phản đối. Và khi Israel tuyên bố độc lập vào năm sau, các đội quân Ả Rập từ Ai Cập đến Jordan đã tấn công.
Nhưng hy vọng của người Ả Rập trong việc ngăn chặn Israel đã tan vỡ. Những tháng chiến đấu kết cục bằng chiến thắng của Israel, cho phép họ mở rộng thêm quyền kiểm soát đối với Palestine. Trong một chương lịch sử gọi là “nakbah,” hay thảm họa, khoảng 750.000 người Palestine đã bị buộc phải di dời; họ chạy trốn đến Gaza, Bờ Tây và một số quốc gia Ả Rập.
Một thỏa thuận ngừng bắn đã khôi phục hòa bình nhưng xung đột lớn hơn vẫn chưa được giải quyết. Trong những thập niên tiếp theo, người Ả Rập và người Israel đã xảy ra các cuộc đụng độ và họ đã tham gia vào ba cuộc chiến tranh lớn, vào các năm 1956, 1967 và 1973.
Cuộc chiến Sáu Ngày vào năm 1967 đã thay đổi bản đồ khu vực. Israel chiếm đóng các lãnh thổ Ả Rập còn lại, bao gồm Đông Jerusalem, Bờ Tây và Dải Gaza, làm sâu sắc thêm xung đột và dẫn đến hàng chục năm đàm phán căng thẳng về tình trạng của các khu vực này.
Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 khai hỏa với việc Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công Israel nhằm khôi phục các lãnh thổ bị mất, kéo theo sự can thiệp của Hoa Kỳ và Liên Xô. Mặc dù người Ả Rập thoạt đầu thắng thế nhưng Israel lại giành chiến thắng một lần nữa, các yếu tố của cuộc xung đột vẫn không thay đổi.
Thay đổi bản chất của xung đột
Cuộc chiến Yom Kippur đánh dấu cuộc đối đầu trên chiến trường cuối cùng giữa quân đội Israel và Ả Rập. Năm 1979, Ai Cập trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên ký hiệp ước hòa bình với Israel, tiếp theo là Jordan vào thập niên 90 và các quốc gia Ả Rập khác trong những năm gần đây thông qua các Hiệp định Abraham được thương lượng bởi chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, bản chất của cuộc xung đột đã thay đổi. Như nhà sử học Eugene Rogan đã chỉ ra, điều từng là một cuộc xung đột chủ yếu giữa Israel với Ả Rập đã phát triển thành một cuộc xung đột giữa người Israel với người Palestine.
Vào những năm 1970 và đầu những năm 1980, các nhóm Palestine có trụ sở tại Li Băng, chủ yếu là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào Israel, dẫn đến cuộc xâm lược của Israel vào Li Băng vào năm 1982. PLO bị trục xuất ra khỏi Li Băng, nhưng căng thẳng đã bùng phát tại Bờ Tây và Gaza, kích thích cuộc nổi dậy của người Palestine đầu tiên vào năm 1987. Hamas, một nhóm chiến binh Hồi giáo, đã xuất hiện từ cuộc nổi dậy này.
Cuộc nổi dậy đầu tiên đã dẫn đến Hiệp định Oslo năm 1993 giữa PLO và Israel. Một cuộc nổi dậy thứ hai bùng phát vào năm 2000 sau khi các cuộc đàm phán hòa bình ở Trại David thất bại, kéo dài cho đến năm 2005 khi Israel rút khỏi Gaza. Kể từ năm 2006, Hamas đã cai trị Gaza, trong khi Chính quyền Palestine quản lý Bờ Tây, nhưng ảnh hưởng của họ đã suy giảm trước các cuộc tấn công thường xuyên của Israel và tình trạng bạo lực của những người định cư.
Tham vọng của Iran trong khu vực
Trong khi đó, Iran, dưới sự lãnh đạo của các giáo sĩ Hồi giáo từ năm 1979, đã nổi lên như kẻ thù lớn nhất của Israel, ủng hộ Hamas, Hezbollah và các lực lượng ủy nhiệm khác như một phần của cái gọi là ‘trục kháng chiến’ nhằm đối phó với ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Israel trong khu vực.
Ngoại trừ nhóm Hamas và nhóm Jihad Hồi giáo người Palestine, các thành viên trong mạng lưới này, vốn được trang bị vũ khí, đào tạo và tài trợ bởi cánh nước ngoài của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, đều là người Shiite. Mặc dù chia sẻ các mục tiêu tư tưởng với Iran, mỗi nhóm đều theo đuổi lợi ích riêng và duy trì một mức độ tự chủ nhất định.
Phe Hezbollah, được thành lập để phản ứng với cuộc xâm lược của Israel vào Li Băng năm 1982 được coi là ‘viên ngọc quý’ của mạng lưới ủy nhiệm này.
Cả Hamas và Hezbollah đều đã tham gia sâu vào chính trị, với Hezbollah có 13 thành viên trong quốc hội Li Băng.
Vào năm 1997, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định cả Hezbollah và Hamas là tổ chức khủng bố nước ngoài. Nhiều quốc gia khác cũng xem hai tổ chức này là các nhóm khủng bố, mặc dù một số nước chỉ áp dụng danh hiệu này cho các cánh quân sự của họ.
Các tay súng Houthi, một ủy nhiệm khác của Iran đang bị cuốn vào cuộc nội chiến kéo dài một thập niên ở Yemen, đã tiến hành các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái vào các tàu Mỹ và Israel. Washington đã đưa Houthi trở lại danh sách Tổ chức Khủng bố Toàn cầu bị Chỉ định Đặc biệt vào tháng 1 năm nay.
Các nhóm ủy nhiệm khác đã được tuyển mộ từ bên ngoài khu vực. Tại Syria, Lực lượng Quds của Iran, một nhánh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, điều hành nhóm Fatemiyoun và lữ đoàn Zainebiyoun. Nhóm Fatemiyoun bao gồm những người tị nạn Afghanistan. Nhóm Zainebiyoun bao gồm những người tị nạn Pakistan.
Ông James Jeffrey, chủ tịch chương trình Trung Đông tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho rằng một bước ngoặt trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực đã xảy ra sau các cuộc tấn công của al-Qaida vào Hoa Kỳ vào ngày 11/9/2001. Với vị thế ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực bị suy yếu, Iran ngày càng táo bạo mở rộng ảnh hưởng của mình vào bốn quốc gia Ả Rập gồm Syria, Yemen, Iraq và Lebanon và vào cả Gaza.
Ngày 7/10/2023
Vào ngày 7/10 năm ngoái, mọi thứ đã thay đổi khi Hamas tiến hành một cuộc tấn công khủng bố bất ngờ vào Israel, giết chết hơn 1.200 người và bắt cóc hơn 200 người khác. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất trong 75 năm lịch sử của Israel.
Hamas đã vượt qua ranh giới đỏ. Để đáp lại, Israel đã phát động một chiến dịch quân sự tàn khốc ở Gaza mà, theo Bộ Y tế Gaza, đã khiến hơn 40.000 người Palestine thiệt mạng và gần 100.000 người bị thương, dẫn đến những cáo buộc diệt chủng mà Israel phủ nhận.
Tuy nhiên, Israel không dừng lại ở đó. Dưới sự tấn công không ngừng từ Hezbollah, từ các tay súng Houthi và từ một số lực lượng dân quân ở Iraq, Israel đã bắt đầu chiến đấu với các kẻ thù của mình, nhắm vào các ủy nhiệm của Iran trên khắp khu vực.
Vào tháng 4, Israel đã ném bom một cơ sở ngoại giao của Iran ở Damascus, giết chết một chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Quds, người từng đóng vai trò liên lạc giữa Iran và Hezbollah
Vào tháng 7, ông Ismail Haniyeh, người đứng đầu cục chính trị của Hamas, đã bị giết trong một cuộc đánh bom tình nghi do Israel thực hiện tại Tehran.
Sau đó, vào tháng trước, Israel đã gia tăng chiến dịch chống lại Hezbollah.
Hàng ngàn máy nhắn tin và hàng trăm máy bộ đàm của Hezbollah đã phát nổ khắp Li Băng và Syria trong hai cuộc tấn công riêng biệt, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương.
Sau đó, một cuộc đánh bom lớn nhắm vào một trung tâm của Hezbollah ở phía nam thủ đô Beirut đã khiến lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah, và các thủ lĩnh hàng đầu khác thiệt mạng.
Với việc Hamas và Hezbollah đang gặp khó khăn và Iran được xem là miễn cưỡng trong việc đối đầu với Israel, cục diện dường như đã chuyển sang có lợi cho Israel.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Sau đó, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công bằng phi đạn, chỉ vài giờ sau khi Israel tiến quân vào miền nam Li Băng. Iran đã phóng gần 200 phi đạn đạn đạo về phía Israel và cảnh báo về những cuộc tấn công ‘hủy diệt’ nếu Israel phản ứng. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, tuyên bố Iran đã mắc phải ‘một sai lầm lớn’ và sẽ phải trả giá.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cách mà Israel phản ứng với cuộc tấn công mới nhất của Iran và cách Iran đáp trả sẽ cung cấp manh mối.
Một cuộc tấn công có mục tiêu hẹp của Israel, giống như cuộc tấn công vào tháng 4, có thể chấm dứt vụ ăn miếng trả miếng này. Một phản ứng lớn hơn có thể kích hoạt sự trả đũa, có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh vũ trang.
Mục tiêu đã được tuyên bố của Israel tại Li Băng là đẩy Hezbollah ra xa khu vực biên giới để những người Israel bị tản cư có thể trở về nhà.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Israel dường như có một mục tiêu lớn hơn là trung hòa Hezbollah và các ủy nhiệm khác trong khu vực. Nếu Israel thành công trong việc đó, họ có thể nâng cao an ninh của họ. Nhưng chừng nào xung đột cốt lõi của cuộc khủng hoảng hiện tại là cuộc đấu tranh của người Palestine đòi quyền lập quốc vẫn chưa được giải quyết, thì chừng đó hòa bình sẽ khó đạt được, theo một số chuyên gia.
“Đây là một chiến dịch nhổ cỏ, đây là chiến thuật của Israel và cho tới nay có hiệu quả nhưng không mang lại hòa bình,” ông Joshua Landis, giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, nhận xét.