Tại đại học Mỹ, ông Tô Lâm khẳng định đối ngoại độc lập, đa phương và quốc phòng ‘4 không’ của VN

Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia, New York, Mỹ, vào ngày 23/9/2024.

Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam, Tô Lâm, trong bài phát biểu tại trường Đại học Columbia ở New York, Mỹ, hôm 23/9 tiếp tục khẳng định “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa” với chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam và đề cao “bước tiến kỳ diệu của quan hệ Việt Nam-Mỹ”.

Sự kiện được nhiều người theo dõi và cũng vấp phải một số phản đối này bị xem là không đáp ứng được kỳ vọng khi một số câu hỏi của cử toạ không được trả lời thích đáng.

Ông Lâm, người đang nắm giữ 2 trong 4 vị trí lãnh đạo ‘tứ trụ’ cao nhất của Việt Nam, được trường Đại học Columbia mời đến phát biểu và đối thoại nhân dịp ông tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

Khẳng định ‘độc lập’, đề cao vai trò đảng Cộng sản

Buổi toạ đàm được điều hợp bởi Giáo sư (GS) Nguyễn Thị Liên Hằng, giáo sư Lịch sử Quan hệ Mỹ - Đông Á và là Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead của Đại học Columbia, vốn là nơi đồng tài trợ cho sự kiện có ông Lâm là diễn giả.

Trong bài phát biểu dài khoảng 20 phút, ông Lâm liệt kê “những thành tựu to lớn” mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, để từ một nước bị bao vây cô lập trở thành nước có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

“Quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở Top 40 và 20 trên thế giới. Nền kinh tế năm 2023 đã tăng 96 lần so với năm 1986 và là một điểm sáng được Liên Hiệp Quốc ghi nhận trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ”, ông Lâm nói trong bài phát biểu được truyền trực tiếp trên trang mạng của Đại học Columbia.

Sau đó, nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định sẽ “tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa” và sẽ “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Chính sách quốc phòng “4 không” cũng được ông Tô Lâm nhấn mạnh đến khi nói về mối quan hệ quốc tế và những tranh chấp, bất đồng trên thế giới.

Về mối quan hệ Việt-Mỹ, tổng bí thư Việt Nam ca ngợi “những bước tiến kỳ diệu” của hai quốc gia, từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam hiện nay.

Ông cho rằng sở dĩ mối quan hệ hai nước đạt được thành tựu trên là nhờ “truyền thống nhân ái, vị tha của dân tộc Việt Nam” và “sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam với tầm nhìn trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh để đưa đất nước Việt Nam hội nhập vào dòng chảy quốc tế”. Còn về phía Mỹ là nhờ những “bạn bè, đối tác Mỹ như Tổng thống Bill Clinton và các Tổng thống kế nhiệm, các Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Patrick Leahy…” và sự ủng hộ lưỡng đảng cho mối quan hệ này.

Chia sẻ về “câu chuyện thành công của quan hệ Việt-Mỹ”, ông Lâm đưa ra 5 yếu tố, đó là: vai trò của tinh thần hàn gắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau; coi trọng và thúc đẩy văn hóa đối thoại; phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với cộng đồng quốc tế; luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm; và đoàn kết và hướng về tương lai.

Sau bài phát biểu, GS Liên Hằng và các sinh viên của đại học Columbia đã đặt một số câu hỏi cho diễn giả Tô Lâm. Vị giáo sư gốc Việt đề cập đến câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng “vào ngày 30 Tháng Tư, 1975 có triệu người vui có triệu người buồn” và đặt câu hỏi rằng trong vai trò lãnh đạo, ông Tô Lâm sẽ làm thế nào để thúc đẩy hòa giải giữa người Việt trong và ngoài nước.

Trả lời cho câu hỏi này, ông Lâm nói: “Trong phát biểu của tôi, tôi có nói về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có được những bước tiến lịch sử như hôm nay là (nhờ) có tinh thần hàn gắn và tôn trọng lẫn nhau, hướng về phía trước”.

Ông nói thêm rằng “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 50 năm. Tất cả những chuyện của quá khứ, như chúng tôi cũng đã nói, là chúng tôi không quên quá khứ, nhưng chúng tôi cũng từ quá khứ đó có những bài học cho mình và tầm nhìn hướng tới tương lai. Tương lai đó là cho hoà bình, ổn định đất nước, nhân dân chúng tôi cũng như cho đất nước, nhân dân Hoa Kỳ và cho thế giới”.

Tiếp theo, GS Liên Hằng đặt câu hỏi về cách thức Việt Nam đối phó với Trung Quốc và liệu Việt Nam có lời khuyên nào cho Hoa Kỳ. Ông Lâm nói: “Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có thừa thông thái để biết những điều gì tốt nhất để đảm bảo cho lợi ích của Hoa Kỳ và đóng góp tích cực cho hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới”.

Rồi ông nói từ “kinh nghiệm của dân tộc tôi cho thấy một điều: Nếu chúng ta có thiện chí, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau, lắng nghe nhau thì sẽ thúc đẩy văn hoá đối thoại, sẽ không có vấn đề gì mà không thể giải quyết được”.

Trong số những câu hỏi do các sinh viên đặt ra, có một câu hỏi đáng chú ý của một sinh viên đến từ Trung Quốc, rằng “trong bài phát biểu, ông có nói rất nhiều lần là tìm cách ‘biến những điều không thể thành có thể’, vậy ông áp dụng nó thế nào trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hiện nay”, ông Lâm đã gộp câu hỏi của một sinh viên trước đó để “trả lời chung” cho câu hỏi này.

Theo ông, Biển Đông là một vấn đề chung và Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, đã “duy trì chính sách hoà bình, ổn định với Biển Đông cùng với các nước có trách nhiệm, trong đó có ASEAN, có Trung Quốc, có các nước khác nữa”. Và để giải quyết các tranh chấp hiện nay, theo ông, “con đường thuận lợi nhất là đàm phán, trao đổi, hợp tác, chia sẻ” và phải làm sao “phân được ranh giới, phân được lợi ích của mình ở đó” và các nước đều phải suy nghĩ đến trách nhiệm gìn giữ hoà bình, ổn định.

“Không có con đường nào tốt hơn là phải duy trì hoà bình và thực thi luật pháp quốc tế”, ông Lâm nói thêm.

Ông cũng không quên nhắc lại rằng Việt Nam “cũng lên án những hành động không hợp pháp, những hành vi can thiệp bằng quân sự, bằng đe doạ, can thiệp vào những hoạt động bình thường trên biển”.

Có “sắp đặt” hay không?

Một nam sinh viên gốc Việt đang học năm thứ 4 tại Đại học Columbia tham dự sự kiện được biết là “lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Cộng sản đến trường”, nói với VOA rằng trái với kỳ vọng ban đầu, buổi toạ đàm không để lại gì đặc biệt đối với cá nhân, vì cả phần trình bày lẫn hỏi đáp có vẻ như nằm trong khuôn khổ “kịch bản đã được chuẩn bị chỉn chu”.

“Lấy ví dụ trong đó có một bạn sinh viên Trung Quốc hỏi là bây giờ tình hình Biển Đông như thế này, và Việt Nam đóng vai trò đứng giữa Mỹ và Trung Quốc thì làm thế nào để cân bằng chính sách gọi là ‘ngoại giao cây tre’, thì bác Tô Lâm trả lời là chúng ta lên án những hành động sử dụng vũ lực và chúng ta nên tôn trọng luật pháp quốc tế. Thật ra trong những câu hỏi đó, em chỉ thấy có vài câu hơi hóc búa chút xíu, còn đa phần là rất bình thường. Em thấy có vẻ như kịch bản hơi được sắp xếp một cách chỉn chu và chặt chẽ, không có gì nằm ngoài dự đoán”.

Nam sinh viên gốc Việt nói với VOA rằng anh cảm giác có một sự đối xử “khá nhẹ nhàng”, trong khi, bình thường, những người dẫn chương trình cũng như sinh viên của Đại học Columbia hay đặt ra những câu hỏi rất hóc búa cho các diễn giả, đặc biệt là với các lãnh đạo hay chính trị gia.

“Ở một môi trường như trường Columbia, em nghĩ rất nhiều nguyên thủ quốc gia đến và trước đây có rất nhiều những câu hỏi hóc búa vì em đã tham dự một vài sự kiện như vậy. Ví dụ như một sự kiện mà em tham dự lúc mà bà Hillary Clinton lên nói, người ta hỏi thẳng bà luôn là bà có đánh giá lại chính sách ngoại giao của bà ở Trung Đông hay không, đại loại như vậy. Những câu hỏi rất khó. Ở đây thì em thấy những câu hỏi khá là nhẹ nhàng”.

Ngoài ra, các sinh viên (gồm 1 sinh viên Nhật, 1 sinh viên Úc, 1 sinh viên Trung Quốc và vài sinh viên Việt Nam) khi đặt câu hỏi đa số đều đọc từ điện thoại, đặc biệt là các sinh viên Việt Nam.

Phản hồi cho VOA vào cuối ngày 24/9 về câu hỏi “liệu có sự sắp đặt trước hay không?”, GS Liên Hằng viết: “Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới cho phép sinh viên gửi câu hỏi trước, nhưng các câu hỏi không bao giờ được chuyển đến văn phòng của Tổng bí thư - Chủ tịch Tô Lâm”, và bà cho biết đã có hàng trăm câu hỏi được gửi đến.

Tuy nhiên, vẫn theo lời GS Liên Hằng, “Tại sự kiện trên thực tế, ai đến trước thì được trước”, nghĩa là bất kỳ ai tiếp cận được hai chiếc micro được đặt ở giữa phòng trước thì người đó được đặt câu hỏi.

“Tôi rất tiếc khi sinh viên mà bạn (VOA) đã nói chuyện cảm thấy có điều gì đó không phải. Tôi có thể đảm bảo với bạn là không có bất cứ vấn đề gì”, GS Liên Hằng khẳng định.

Khác biệt

Trong phần trả lời câu hỏi của sinh viên Việt Nam, Lê Kiều Oanh, ông Tô Lâm gây chú ý khi nói rằng ông rất hiểu và ủng hộ cho ước muốn của nhiều sinh viên Việt Nam muốn quay trở về để xây dựng đất nước sau khi tiếp cận được nền văn minh, khoa học tiên tiến ở Hoa Kỳ.

“Nhưng không phải chỉ là về Việt Nam, nếu các bạn có điều kiện tiếp tục học tập, tốt nghiệp đại học, học tiếp tục cao hơn nữa để càng tiếp cận vào những tiến bộ mới, văn minh mới càng chuyên sâu càng tốt, và có điều kiện đóng góp cho đất nước, thậm chí kể cả các bạn đang học ở Hoa Kỳ đóng góp cho Hoa Kỳ công ăn việc làm, chúng tôi cũng rất khuyến khích, cũng rất ủng hộ. Vì mình ở đây không phải là suy nghĩ mình làm cho đất nước mình, cho dân tộc mình, mà quan niệm mình là nó ở tầm quốc tế, tầm nhân loại, văn minh chung cho nhân loại, thì những đóng góp đó chúng tôi cũng rất khuyến khích”.

Một học giả người Mỹ gốc Việt theo dõi buổi toạ đàm nói với VOA rằng ông rất chú ý đến suy nghĩ “khác biệt” của ông Tô Lâm so với các nguyên thủ Việt Nam từ trước đến nay, vốn luôn kêu gọi du học sinh quay trở về xây dựng đất nước, thậm chí có lãnh đạo còn quá đà khi nói “cột điện mà biết đi cũng quay về Việt Nam” hay tình trạng du học sinh đi nước ngoài mà không về nước thường bị “ném đá”, đơn cử là các du học sinh của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”.

Ngoài ra, nam sinh viên gốc Việt tham dự buổi toạ đàm cũng đánh giá cao sự “can đảm” của ông Tô Lâm khi ông nhận lời đến phát biểu tại Đại học Columbia.

“Em thấy đây là một sự kiện khá đặc sắc và đánh dấu một cột mốc đáng nói. Hình như theo em đoán thì đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Việt Nam đến trường Columbia nói chuyện. Em nghĩ đây là một sự can đảm rất lớn, vì em thậm chí không nghĩ có một nguyên thủ quốc gia nào hơi controversial (gây tranh cãi) mà được mời đến trường Columbia vì các nguyên thủ quốc gia rất sợ và cũng có những quan ngại vì những câu hỏi không được hay cho lắm”.

Chỉ trích, phản đối

Việc Đại học Columbia, nơi thường mời các nguyên thủ và các nhân vật nổi bật trên thế giới, tổ chức buổi đối thoại với ông Tô Lâm, lãnh đạo cao nhất của một quốc gia Cộng sản, vốn bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền, đến nói chuyện đã thu hút sự chú ý của không những cộng đồng người Việt, giới nghiên cứu, mà còn đối với các chính trị gia Mỹ, các tổ chức nhân quyền.

Hôm 20/6, Dân biểu Cộng hoà Michelle Steel ở California đã gửi một lá thư cho Quyền Chủ tịch Đại học Columbia, Katrina Armstrong, kêu gọi đại học này hủy bỏ lời mời đối với ông Tô Lâm với lý do ông là “người chịu trách nhiệm chính cho sự đàn áp đang diễn ra đối với người dân Việt Nam”, đồng thời dẫn ra việc Việt Nam đang giam giữ hơn 170 tù nhân lương tâm và xử các án tù dài hạn với họ.

Một người phát ngôn của Đại học Columbia nói với VOA qua email rằng họ “mời những nhân vật có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới tham gia cộng đồng trường” với mục tiêu “hỗ trợ sứ mệnh học thuật lớn hơn của trường là giảng dạy, sáng tạo và phát triển kiến thức”.

Và, vẫn theo lời người phát ngôn này: “Lời mời phát biểu tại một sự kiện không phải là sự xác nhận hay tán thành quan điểm của bất kỳ diễn giả nào.”

VOA Tiếng Việt - Bài viết được cập nhật lúc 8:30 phút tối ngày 24 tháng Chín, thêm vào phần trả lời phỏng vấn của Giáo Sư Nguyễn Thị Liên Hằng với VOA về cách thức tổ chức cuộc đối thoại, và nhận định của một học giả Mỹ gốc Việt về một số phát biểu của ông Tô Lâm.