Quân đội Bangladesh cam kết ủng hộ chính phủ lâm thời Yunus 'dù có chuyện gì xảy ra'

Tướng Waker-uz-.

Chỉ huy quân đội Bangladesh tuyên bố sẽ ủng hộ chính phủ lâm thời của đất nước "dù có chuyện gì xảy ra" để giúp chính phủ hoàn thành các cải cách quan trọng sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina bị lật đổ, để cuộc bầu cử có thể được tổ chức trong vòng 18 tháng tới.

Tướng Waker-uz-Zaman và quân đội của ông đã từ chối đàn áp các cuộc biểu tình mà sinh viên lãnh đạo để phản đối bà Hasina hồi đầu tháng 8. Các cuộc biểu tình này đã định đoạt số phận của bà Hasani, một chính trị gia kỳ cựu, người đã từ chức sau 15 năm nắm quyền và chạy trốn sang nước láng giềng Ấn Độ.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với giới truyền thông, ông Zaman nói với Reuters tại văn phòng của ông ở thủ đô Dhaka hôm 23/9 rằng chính quyền lâm thời do người đạt giải Nobel Muhammad Yunus lãnh đạo đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của ông và vạch ra một con đường để loại bỏ ảnh hưởng chính trị của quân đội.

"Tôi sẽ sát cánh cùng ông ấy. Dù có chuyện gì xảy ra. Để ông ấy có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình", ông Zaman, đeo kính và mặc quân phục, nói về ông Yunus.

Là người tiên phong của phong trào tín dụng vi mô toàn cầu, ông Yunus đã hứa sẽ thực hiện các cải cách thiết yếu đối với ngành tư pháp, cảnh sát và các tổ chức tài chính, mở đường cho việc tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng tại quốc gia có 170 triệu dân này.

Sau các cuộc cải cách, ông Zaman – người đã tiếp quản vị trí chỉ huy quân đội chỉ vài tuần trước khi bà Hasina bị lật đổ – cho biết rằng quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ nên được thực hiện trong khoảng thời gian từ một năm đến một năm rưỡi, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên nhẫn.

"Nếu bạn hỏi tôi, thì tôi sẽ nói rằng đó là khung thời gian để chúng tôi bước vào một quá trình dân chủ", ông nói.

Hai đảng chính trị chính của Bangladesh, Liên đoàn Awami của bà Hasina và Đảng Dân tộc Bangladesh đối thủ của đảng này, trước đó đều kêu gọi tổ chức bầu cử trong vòng ba tháng tính từ khi chính phủ lâm thời nhậm chức vào tháng 8.

Ông Yunus, cố vấn trưởng của chính quyền lâm thời và chỉ huy quân đội họp hàng tuần và có "mối quan hệ rất tốt" với quân đội, lực lượng ủng hộ các nỗ lực của chính phủ nhằm ổn định đất nước sau một thời kỳ hỗn loạn, ông Zaman cho biết.

"Tôi chắc chắn rằng nếu chúng tôi cùng nhau làm việc, không có lý do gì chúng tôi sẽ thất bại", ông nói.

Hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ bạo lực bắt đầu từ phong trào phản đối hạn ngạch việc làm trong lĩnh vực công vào tháng 7 nhưng đã leo thang thành cuộc nổi dậy chống chính phủ rộng lớn hơn, vốn là giai đoạn đẫm máu nhất trong lịch sử độc lập của đất nước.

Sự yên bình đã trở lại trên những con phố đông đúc của Dhaka, trung tâm của cuộc nổi loạn, nhưng một số bộ phận của cơ quan công quyền vẫn chưa hoạt động bình thường sau sự sụp đổ của chính quyền của bà Hasina.

Với phần lớn lực lượng cảnh sát Bangladesh, khoảng 190.000 nhân sự, vẫn trong tình trạng hỗn loạn, quân đội đã tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật và trật tự trên toàn quốc.