Các chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc hôm 17/9 cho biết trong một báo cáo mới rằng những phát hiện của họ cho thấy chính phủ Venezuela đã tăng cường sử dụng các công cụ đàn áp "khắc nghiệt và bạo lực nhất" sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào tháng 7.
Kết quả chính thức của cuộc bỏ phiếu ngày 28/7 đã bị nhiều người chỉ trích là phi dân chủ, không minh bạch và nhằm mục đích duy trì quyền lực của Tổng thống Nicolás Maduro.
Trong báo cáo của mình, phái đoàn điều tra thực tế về Venezuela, vốn được Hội đồng Nhân quyền do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ủy quyền thực hiện, đã lên án các hành vi vi phạm nhân quyền bao gồm giam giữ tùy tiện, tra tấn và bạo lực tình dục và giới tính của lực lượng an ninh nước này mà "nếu xét tổng thể, cấu thành tội ác chống lại loài người vì lý do chính trị".
“Trong giai đoạn được báo cáo này đề cập, và đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/7/2024, nhà nước đã tái kích hoạt và tăng cường các cơ chế đàn áp khắc nghiệt và bạo lực nhất của bộ máy đàn áp của mình”, các chuyên gia nói trong báo cáo, vốn được thực hiện cho giai đoạn một năm cho đến ngày 31/8.
Những phát hiện này phản ánh mối quan ngại của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và những người khác về Venezuela và nền dân chủ của nước này, bao gồm cả sự đàn áp trước và sau cuộc bỏ phiếu được nhiều người kỳ vọng và cuộc chạy trốn lưu vong sau đó của nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela Edmundo González.
Marta Valiñas, người đứng đầu nhóm chuyên gia, cho biết từ ngày 29/7 đến ngày 6/8, chính quyền Venezuela thừa nhận họ đã bắt giữ hơn 2.200 người.
“Trong số này, chúng tôi đã xác nhận việc bắt giữ ít nhất 158 trẻ em – một số là trẻ khuyết tật”, bà Valiñas nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo tại Geneva hôm 17/9, lưu ý rằng một số trẻ đã bị cáo buộc phạm tội nghiêm trọng, chẳng hạn như khủng bố.
“Hiện tượng này là điều mới mẻ và cực kỳ đáng lo ngại”, bà nói. “Chúng ta đang phải đối mặt với sự đàn áp có hệ thống, phối hợp và cố ý của chính phủ Venezuela, phản ứng với một kế hoạch có chủ đích nhằm làm im lặng mọi hình thức bất đồng chính kiến”.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela, gồm có nhiều người trung thành với ông Maduro, cho biết ông đã thắng cử với 52% số phiếu bầu. Nhưng những người ủng hộ phe đối lập đã thu thập giấy tờ kiểm phiếu từ 80% máy bỏ phiếu điện tử của quốc gia và cho biết chúng cho thấy ông González đã thắng cử – với số phiếu bầu gấp đôi ông Maduro.
Sự lên án toàn cầu về tình trạng thiếu minh bạch đã thúc đẩy ông Maduro yêu cầu Tòa án Công lý Tối cao Venezuela, nơi có các thành viên liên kết với đảng cầm quyền, kiểm toán kết quả. Tòa án tối cao đã tái khẳng định chiến thắng của ông.
Các chuyên gia độc lập cho biết họ đã biên soạn báo cáo thông qua các cuộc phỏng vấn với 383 người và xem xét hồ sơ vụ án tại tòa án và các tài liệu khác, đồng thời thừa nhận những hạn chế trong việc thu thập thông tin của họ trong giai đoạn hậu bầu cử.
Các chuyên gia cho biết yêu cầu cung cấp thông tin của họ từ chính quyền Venezuela đã bị "phớt lờ" mặc dù có lời kêu gọi hợp tác từ hội đồng nhân quyền, bao gồm các thành viên luân phiên trong số 47 quốc gia thành viên của LHQ.
Các chuyên gia độc lập, không đại diện cho Liên Hợp Quốc, bao gồm một phái đoàn điều tra thực tế được thành lập vào năm 2019. Họ đã báo cáo về các hành vi vi phạm nhân quyền – bao gồm cả các cáo buộc gây tội ác chống lại loài người – ở Venezuela của ông Maduro trong nhiều năm. Báo cáo này, vốn là báo cáo thứ năm cùng loại, đã lên án những nỗ lực của chính phủ Venezuela nhằm đàn áp sự phản đối ôn hòa đối với sự cai trị của mình.