Tháng 1/2021, các đại biểu tham dự Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 bấu 180 cá nhân vào BCH TƯ đảng khóa 13 (Ủy viên chính thức). Sau đó, các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 bầu 18 tân Ủy viên BCH TƯ vào Bộ Chính trị và chọn một số Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 vào Ban Bí thư.
Đến nay dù đã nhiều lần “bầu bổ sung” nhưng BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 chỉ còn 151 Ủy viên chính thức. Bộ Chính trị cũng chỉ còn 15 Ủy viên, 5/15 Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm (1/3) thuộc diện “bầu bổ sung” (Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh Hoài, Đỗ Văn Chiến, Lương Tam Quang) để thay cho bảy Ủy viên Bộ Chính trị bị buộc phải ra đi. Chưa bao giờ đảng CSVN gián tiếp xác định đã chọn lộn và phải chọn lại nhiều Ủy viên BCH TƯ và Ủy viên Bộ Chính trị ở mức cao như vậy.
Nếu đặt bảy Ủy viên Bộ Chính trị đã bị buộc phải ra đi (Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh) bên cạnh những Ủy viên Bộ Chính trị vẫn còn tại nhiệm, hẳn sẽ thấy, nhiều người trong số họ ít điều tiếng hơn.
Chẳng hạn trong số này, có bao nhiêu người khiến công chúng thất vọng hơn ông Nguyễn Hòa Bình. Ông Bình có 33 năm khoác áo công an, năm 2008 rời ngành công an với cấp bậc Thiếu tướng, Tổng cục phó Cảnh sát vì được điều động về quê làm Phó Bí thư rồi Bí thư Quảng Ngãi. Năm 2011, ông Bình tiếp tục được điều động làm Viên trưởng Kiểm sát Tối cao. Năm 2016 chuyển qua làm Chánh án Tòa Tối cao cho đến hôm qua thì trở thành Phó Thủ tướng [1].
***
Khoảng hai tháng trước khi bị bắt, hôm 23/4/2024, ông Trần Đình Triển – Luật sư Trưởng Văn phòng luật Vì dân đưa lên Facebook status “Nguyễn Hòa Bình - Những cái nhất khi làm Chánh án”. Trong status này, ông Triển cho biết ông Bình từng là đồng môn đại học (Đại học An ninh), từng công tác cùng ngành (công an) nên “tôi hiểu biết Nguyễn Hoà Bình từ học hành, năng lực trình độ, sở trường, sở đoản, phẩm chất đạo đức và nhân cách…”.
Đó cũng là lý do ông Triển thống kê, nêu 11 “cái được” của ông Bình, trong đó có những “cái được” như từ khi ông Bình trở thành Chánh án Tòa án Tối cao (TATC) thì nhiều cấp tòa không cho người thân của bị cáo và đương sự cũng như nhân dân tham dự phiên xử dù Hiến pháp quy định mọi công dân đều có quyền tham dự, trừ trường hợp phiên xử được pháp luật quy định xử kín, hoặc vụ án có tính chất đặc biệt cần bảo vệ an ninh trật tự trong quá trình xét xử.
Theo ông Triển, một trong những “cái được” khác của ông Bình là dưới thời ông làm Chánh án TATC, các thẩm phán mạnh dạn đưa vào bản án kết luận: “Mặc dù có vi phạm về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án...” bất chấp các quy định trong Bộ Luật hình sự và Tố tụng hình sự buộc phải trả hồ sơ điều tra lại hoặc hủy án nếu hội đồng xét xử nhận thấy có vi phạm loại này. Ông Triển cũng xếp việc ông Bình bị nhiều người thuộc nhiều giới chỉ trích vì hệ thống toà án xét xử oan sai [2]...
Giống như nhiều Ủy viên BCH TƯ, Ủy viên Bộ Chính trị đã bị kỷ luật sau khi dư luận liên tục dậy lên thành bão vì gia đình, thân nhân của đương sự giàu có hay thăng tiến bất thường, trên Internet có rất nhiều thông tin liên quan đến gia đình và thân nhân ông Bình. Dẫu được đính kèm nhiều bản ảnh như bằng chứng song những thông tin loại này cũng chỉ là “tin đồn” [3]. Dường như ông Triển là người đầu tiên dùng tư cách cá nhân nêu ra những vấn đề có liên quan đến gia đình, thân nhân của ông Bình và tuyên bố tự nguyện cung cấp “một số chứng cứ bước đầu để các cơ quan có thẩm quyền của đảng và nhà nước xác minh làm rõ, xử lý đúng pháp luật” [4].
Ông Triển còn loan báo sẽ công bố những bằng chứng, chứng minh ông Bình đã “phát biểu sai, thiếu trung thực” [5] khi khẳng định: Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội [6].
Tuy trang Facebook của ông Triển đã bị đóng sau khi ông bị bắt nhưng nhiều người sử dụng mạng xã hội và theo dõi sát các diễn biến liên quan đến chính trị Việt Nam vẫn ghi nhận ông là người tấn công trực diện vào tư cách cá nhân và trách nhiệm của ông Nguyễn Hòa Bình đối với hiệu quả hoạt động của ngành tòa án. Đó cũng là lý do khiến không ít người bất ngờ trước việc ông Triển bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Khác với ông Trương Huy San, những gì ông Triển từng viết cho thấy ông tin đảng CSVN đang nỗ lực chống tham nhũng. Đó cũng là lý do trước nay, ông Triển không ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ nỗ lực chỉnh đốn đảng của ông Trọng, nỗ lực thực thi pháp luật của ông Tô Lâm và xem việc chỉ trích, tố cáo ông Bình là thực thi trách nhiệm công dân, vai trò luật sư [7].
(còn tiếp)
Chú thích
[3] https://bao-dong01.blogspot.com/2016/01/chi-mat-nhung-cong-ty-ma-cua-nguyen.html
[7] https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/ca-ngoi-nguyen-phu-trong-luat-su-tran-dinh-trien-van-bi-bat/