Tòa án ở Hà Nội hôm 22/7 bắt đầu xét xử cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 người khác trong vụ án tham nhũng mới nhất nhắm vào giới doanh nhân thượng lưu của quốc gia Cộng sản.
Ông Trịnh Văn Quyết, 49 tuổi, bị cáo buộc 2 tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 3.620 tỷ đồng (khoảng 146 triệu USD).
Ông bị bắt vào tháng 3/2022, dẫn đến việc bắt giữ 49 người được cho là đồng phạm, trong đó có hai em gái của ông và cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Phiên tòa xử ông Quyết và đồng phạm diễn ra chỉ vài ngày sau cái chết của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người được coi là người dẫn đầu cuộc trấn áp nạn tham nhũng ở cấp cao nhất.
Đảng cho biết ông Trọng, 80 tuổi, qua đời hôm thứ Sáu tại một bệnh viện quân đội ở Hà Nội “vì tuổi già và bệnh hiểm nghèo”, một ngày sau khi Bộ Chính trị ra thông báo ông Tô Lâm được giao nhiệm vụ đảm nhận công việc tổng bí thư để ông Trọng “tập trung điều trị tích cực”.
Dựng rạp ngoài trời
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng từ năm 2017 đến năm 2022, trên cương vị là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dịch vụ du lịch.
FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết và có 5 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cáo trạng nói ông Quyết đã chỉ đạo thuộc cấp tăng khống vốn góp vào công ty con, từ đó bán ra thành công 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng. Hành vi này khiến ông bị cáo buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch FLC cũng bị cáo buộc đã chỉ đạo thuộc cấp mượn giấy tờ của 45 người khác đứng tên 20 doanh nghiệp, mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thu lợi từ 5 mã cổ phiếu niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC. Các mã cổ phiếu này được nhóm ông Quyết mua bán liên tục với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào lúc mở cửa và đóng cửa phiên giao dịch, sử dụng cách thức đặt lệnh mua bán rồi hủy nhằm tạo cung cầu giả. Cáo trạng nói hành vi này đã giúp ông Quyết thu lợi 723 tỷ đồng và cũng khiến ông bị truy tố tôi “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Trong cả hai sai phạm, ông Quyết đều bị xác định là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ hành vi của các đồng phạm.
VnExpress dẫn lời luật sư của ông Quyết cho hay sức khỏe của thân chủ ông ổn định sau thời gian chữa bệnh lao. Gia đình của ông Quyết cũng mới nộp thêm 23 tỷ đồng để “khắc phục hậu quả” và hiện ông là người khắc phục nhiều tiền nhất trong 50 bị cáo, với 212,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, hai em gái ông Quyết, mỗi người cũng đã nộp 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Vụ xử ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm được cho biết có số lượng người được triệu tập lớn nhất từ trước đến nay, tới gần 100.000 người, khiến TAND TP.Hà Nội phải sử dụng 2 hội trường và dựng rạp ngoài trời với sức chứa lên đến 2.500 để xét xử vụ án.
Trước đó, tòa án đã triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS với tư cách là bị hại và triệu tập 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng ngày xét xử đầu tiên chỉ có khoảng 30 người tới dự, theo ghi nhận của Thanh Niên và VnExpress.
Phiên tòa dự kiến kéo dài nhiều ngày.
Tỷ phú “giàu nhất sàn chứng khoán”
Theo ước tính của truyền thông nhà nước, ông Trịnh Văn Quyết, người sở hữu đế chế FLC gồm các khu nghỉ dưỡng sang trọng, sân golf và hãng hàng không giá rẻ Bamboo Airways, có tài sản trên thị trường chứng khoán gần 2 tỷ USD trước khi bị bắt. Ông từng vượt qua cả Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vào cuối năm 2017.
Mặc dù ông Quyết thường nằm trong top các tỷ phú giàu nhất trong các bảng xếp hạng của Việt Nam một số năm trước khi bắt, nhưng ông lại không được lọt vào danh sách các tỷ phú thế giới của Forbes như một vài tỷ phú Việt Nam khác.
Chẳng hạn, danh sách tỉ phú năm 2017 của Forbes chỉ ghi nhận hai tỉ phú của Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, với trị giá tài sản 2,4 tỉ USD, và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air, với 1,2 tỉ USD, trong khi khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết trên sàn chứng khoán đã vượt mức 1 tỉ USD từ cuối tháng 10/2016.
Năm sau đó, 2018, Forbes lại tiếp tục ghi nhận 3 tỉ phú Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và một tỉ phú mới là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, tài sản 1,3 tỷ USD.
Giải thích về việc liên tục bỏ qua ông Trịnh Văn Quyết trong danh sách tỉ phú thể giới, Forbes cho biết họ đánh giá tài sản của người giàu dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Ngoài việc định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ, Forbes còn lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, dùng nhiều phương pháp kiểm tra tài sản “ròng” như lấy thông tin từ ngân hàng, các báo cáo thuế, phỏng vấn các đối tác thương mại, các cộng sự viên và sử dụng những nguồn thông tin bí mật.
Ngoài tài sản trên sàn chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết và FLC còn từng sở hữu du thuyền triệu USD FLC Albatross và 2 siêu xe Rolls-Royce. Sau khi ông bị bắt, du thuyền FLC Albatross đã được đấu giá 6 lần nhưng bất thành. Hai chiếc siêu xe Rolls-Royce cũng rơi vào tình trạng tương tự sau khi bị ngân hàng thu giữ và xử lý nợ.
Your browser doesn’t support HTML5