Một đại diện ngoại giao Việt Nam hôm 18/6 nói chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hoá của Hà Nội, đồng thời gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia, theo truyền thông trong nước.
Phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi được đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày hôm sau của Tổng thống Nga.
“Chuyến thăm này không chỉ là một sự kiện ngoại giao quan trọng mà còn thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga đối với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam,” trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Khôi nói tại buổi họp báo. “Đồng thời, chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới.”
Đại sứ Việt Nam tại Nga cho biết trong chuyến thăm của ông Putin, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân.
“Việc Tổng thống Putin thăm Việt Nam còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia”, ông Khôi được các báo trong nước trích lời nói thêm, và cho rằng sự kiện này là biểu hiện rõ ràng của tình hữu nghị và sự đoàn kết, từ đó góp phần nâng cao vị thế của cả hai nước trên trường quốc tế.
Chuyến thăm của ông Putin được thực hiện theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3. Lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đã nhấn mạnh rằng Hà Nội luôn coi mối quan hệ với Nga là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin đến Việt Nam sau khi nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga thêm một nhiệm kỳ nữa vào ngày 7/5. Trước đó, ông từng đến Việt Nam 4 lần vào các năm 2001, 2006, 2013 và 2017.
Sau Trung Quốc và Uzbekistan, nhà lãnh đạo Nga đã chọn Triều Tiên và Việt Nam cho chuyến đi thứ hai sau khi nhậm chức giữa bối cảnh bị phương Tây và nhiều nước trên thế giới tẩy chay vì cuộc chiến ở Ukraine.
Hoa Kỳ đã phản ứng gay gắt đối với chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam lần này trong khi Liên minh châu Âu bày tỏ bất mãn với việc Hà Nội đã hoãn chuyến thăm của quan chức phụ trách cấm vận Nga trước đó vì lịch trình dự kiến cho chuyến thăm của tổng thống Nga, Reuters đưa tin hôm 17/6.
Ông Putin đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại La Haye ban hành lệnh bắt giữ vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine vào tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam không phải là thành viên của ICC nên không có nghĩa vụ tuân thủ.
Các nội dung dự kiến
Trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày, bắt đầu từ 19/6, sau lễ tiếp đón tại Hà Nội, Tổng thống Nga sẽ gặp toàn bộ “tứ trụ” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, theo cập nhật của Sputnik.
Hãng tin của nhà nước Nga cho biết rằng cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam sẽ diễn ra trong buổi điểm tâm bàn công việc, đề cập đến các chủ đề về kinh tế.
Sau đó, các cuộc đàm phán song phương dự kiến sẽ đề cập đến các sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực như an ninh và quốc phòng, kinh tế và thương mại, văn hóa và du lịch.
Vẫn theo Sputnik, ông Putin cũng sẽ gặp gỡ các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học Liên Xô và Nga và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Hà Nội.
Ngoài ra, chuyến thăm dự kiến sẽ dẫn đến việc thông qua một tuyên bố chung xác nhận các nguyên tắc hợp tác hơn nữa giữa hai nước. Theo hãng tin Nga, tổng cộng có khoảng 20 văn kiện hợp tác chung dự kiến sẽ được ký kết.
Ông Putin và các lãnh đạo Việt Nam dự kiến cũng sẽ trao đổi về “các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm”, theo lời Đại sứ Khôi.
Trong khi Nga bị Mỹ và các nước phương Tây áp dụng hàng trăm lệnh trừng phạt về kinh tế vì cuộc chiến ở Ukraine khiến cho vấn đề thanh toán giữa Nga với các nước gặp trở ngại, dự kiến vấn đề này cũng sẽ được giải quyết trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Putin.
Ngân hàng hỗn hợp Việt-Nga (VRB) được thành lập từ năm 2006, hiện đã thiết lập hệ thống thanh toán bằng tiền tệ quốc gia trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Theo Sputnik, thanh toán giữa Nga và Việt Nam bằng tiền tệ quốc gia vào năm 2023 đã tăng gấp bốn lần.
Việt Nam và Nga thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Trong những năm 1970 và 1980, Liên Xô là đối tác thương mại chính của Việt Nam. Sau đó, các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ đã có những động thái ngoại giao quan trọng đối với quốc gia Đông Nam Á, trong đó chính quyền Biden coi Việt Nam như một phần của chính sách “xoay trục sang châu Á”.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn duy trì và phát triển mối quan hệ đối tác truyền thống với Moscow. Hai nước tích cực hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, y tế và nông nghiệp. Việt Nam là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga trong nhiều thập kỷ qua. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đã được ký kết vào năm 2016.
Theo thống kê được Sputnik trích dẫn, kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam tăng trưởng hơn 8% và đạt 5 tỷ USD vào năm 2023, cho thấy tiềm năng tăng trưởng hơn nữa. Nga có thể tăng xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm dầu mỏ, than đá, kim loại, cao su và các loại polyetylen cũng như hàng nông sản như lúa mì, ngô và đậu nành.
Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm như điện thoại, máy tính, tivi, mạch tích hợp điện tử, linh kiện ô tô, lốp hơi, đồ nội thất, giày dép và quần áo.
Tính đến tháng 4, Nga đã báo cáo 984,98 triệu USD trong 186 dự án ở Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Hà Nội đã đầu tư 1,63 tỷ USD vào 18 dự án ở Nga, tập trung vào các lĩnh vực như dầu khí, sản xuất và nông nghiệp. Theo Sputnik, mục tiêu kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam là 10 tỷ USD vào năm 2025.