An ninh được thắt chặt và việc tiếp cận Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh bị hạn chế vào ngày tưởng niệm 35 năm cuộc đàn áp 4/6, trong khi cảnh sát Hong Kong bắt giữ một số nhà hoạt động, giữa lúc các thành phố ở Đài Loan và những nơi khác chuẩn bị đánh dấu ngày tưởng niệm bằng những buổi cầu nguyện.
Xe tăng Trung Quốc đã lăn bánh vào quảng trường trước bình minh vào ngày 4/6/1989, để chấm dứt nhiều tuần biểu tình ủng hộ dân chủ của sinh viên và công nhân. Hình ảnh tin tức trên truyền hình về một người đàn ông Trung Quốc đơn độc mặc áo sơ mi trắng đứng trước đoàn xe tăng lan truyền khắp thế giới và trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của các cuộc biểu tình.
Nhiều thập kỷ sau cuộc đàn áp của quân đội, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết những mục tiêu ban đầu của người biểu tình, bao gồm tự do báo chí và tự do ngôn luận, vẫn còn xa vời, và ngày 4/6 vẫn là một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc.
Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc chưa bao giờ công bố số người chết, mặc dù các nhóm nhân quyền và nhân chứng nói rằng con số này có thể lên tới hàng nghìn người.
“Ký ức về ngày 4/6 sẽ không biến mất trong dòng chảy lịch sử,” Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nói trong một tuyên bố hôm 4/6.
Ông Lại, người mới nhậm chức vào tháng trước với tư cách là lãnh đạo của hòn đảo dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là của mình, nói thêm rằng Đài Loan sẽ “đáp lại chủ nghĩa độc tài bằng sự tự do”.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, nói với các phóng viên rằng Bắc Kinh “kiên quyết phản đối bất kỳ ai bôi nhọ Trung Quốc và sử dụng (ngày 4/6) này như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Đài Loan là nơi duy nhất trong thế giới nói tiếng Hoa kỷ niệm ngày 4/6 một cách công khai, với một sự kiện tưởng niệm được lên kế hoạch tại thủ đô Đài Bắc. Những sự kiện kỷ niệm khác cũng được lên kế hoạch tổ chức là ở các nước như Anh, Canada và Hoa Kỳ.
Tại Hong Kong do Trung Quốc cai trị, cảnh sát đã thắt chặt an ninh xung quanh Công viên Victoria tại trung tâm thành phố, nơi các buổi cầu nguyện lớn dưới ánh nến vào ngày 4/6 đã được tổ chức hàng năm trước khi luật an ninh quốc gia mới cứng rắn hơn có hiệu lực trong những năm gần đây.
Một nhân chứng cho Reuters biết cảnh sát đã bắt giữ một số người gần công viên, trong số đó có một người đàn ông lớn tuổi giơ tấm áp phích tưởng niệm ngày 4/6.
Một nhà hoạt động khác, Alexandra Wong, 68 tuổi, bị khoảng chục cảnh sát bao vây khi bà giơ một bó hoa và hét lên: “Nhân dân sẽ không quên” trước khi bị đưa đi bằng xe cảnh sát.
Trong tuần qua, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ 8 người vì tội nổi loạn theo luật an ninh quốc gia mới, trong đó có nhà hoạt động Chow Hang-tung, xuất phát từ những gì mà truyền thông cho là các bài đăng trực tuyến có liên quan đến ngày 4/6.
“Vẫn còn những thế lực cố gắng làm suy yếu sự ổn định và an ninh của Hong Kong”, lãnh đạo Hong Kong John Lee nói với các phóng viên mà không đề cập cụ thể đến ngày 4/6.
Ông cũng cảnh báo về sự cần thiết phải “luôn đề phòng những nỗ lực gây rắc rối”.
Tại Bắc Kinh, trang web chính thức của Tháp Thiên An Môn nhìn ra quảng trường, trước đó đã đăng thông báo cho biết tòa tháp sẽ đóng cửa cả ngày vào ngày 4/6.
Các chuyến thăm quan Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6 cũng không thể đặt được trên ứng dụng mini WeChat chính thức. Một nhân chứng cho biết Đại lộ Trường An, con đường chạy dọc quảng trường, đã bị cấm đối với người đi bộ và người đi xe đạp vào tối 3/6.
An ninh tăng cường
Các nhóm nhỏ tình nguyện viên “duy trì sự ổn định” hoặc những người về hưu đeo băng đỏ trên tay đã canh gác các khu vực trung tâm Bắc Kinh kể từ tuần trước.
Lực lượng bảo vệ cũng được bố trí trên các cầu dành cho người đi bộ, một hoạt động thường diễn ra trong thời gian nhạy cảm về chính trị.
Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc bao gồm WeChat và Douyin, người dùng không thể thay đổi ảnh đại diện của họ, theo các đăng tải trực tuyến và thử nghiệm của Reuters.
Trước đây, một số người dùng trực tuyến đã đổi tên tài khoản và ảnh đại diện bằng những hình ảnh mang tính biểu tượng như những ngọn nến vào khoảng ngày 4/6.
“Ba mươi lăm năm đã trôi qua, chính quyền vẫn im lặng. Tất cả những gì có thể thấy trên internet là ‘Lịch sử Ngắn gọn của Đảng Cộng sản Trung Quốc’, trong đó nói rằng một vụ việc bi thảm xảy ra do phong trào sinh viên năm 1989”, nhóm Các bà mẹ Thiên An Môn viết.
Nhóm hơn 100 người sống sót chủ yếu ở Trung Quốc và gia đình các nạn nhân của vụ đàn áp Thiên An Môn viết thêm rằng “chúng tôi không thể chấp nhận hoặc dung thứ cho những tuyên bố phớt lờ sự thật như vậy”.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Úc Penny Wong nhấn mạnh về việc “vũ lực tàn bạo” đã được sử dụng để chống lại những người biểu tình là sinh viên cách đây 35 năm, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc hạn chế nhân quyền.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng đàn áp các quyền tự do ngôn luận, hội họp, truyền thông và xã hội dân sự và trả tự do cho những người bị giam giữ vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa”, bà Wong nói trong tuyên bố.