Tuần duyên Mỹ vừa bác bỏ phát biểu của một nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc lực lượng Mỹ cùng cảnh sát địa phương khám xét tàu đánh cá Trung Quốc gần đây ở quần đảo Thái Bình Dương là việc bất hợp pháp. Vẫn Tuần duyên Mỹ nói thêm rằng các cuộc tuần tra chung là theo yêu cầu của các quốc gia Thái Bình Dương để bảo vệ nghề cá ven biển.
Hồi tháng trước, Reuters đưa tin rằng 6 tàu đánh cá Trung Quốc bị phát hiện vi phạm luật đánh bắt cá của Vanuatu sau khi bị khám xét bởi cảnh sát địa phương đi trên chiếc tàu Tuần duyên đầu tiên của Hoa Kỳ đi tuần tra ở vùng biển của đảo quốc Thái Bình Dương.
Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ và cảnh sát Kiribati cũng đã lên khám xét 2 tàu đánh cá Trung Quốc trong một cuộc tuần tra hồi tháng 2, là cuộc tuần tra chung đầu tiên sau một thập kỷ, nhưng không thấy có vấn đề gì trên tàu.
Đại sứ Trung Quốc tại New Zealand Vương Tiểu Long (Wang Xiaolong) nêu trong một lá thư do Đại sứ quán Trung Quốc lưu hành hôm 5/4 rằng việc sử dụng các thỏa thuận về đi chung tàu giữa Mỹ và Vanuatu, Kiribati và Papua New Guinea để “thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật nhằm vào các tàu đánh cá của Trung Quốc” là vi phạm luật quốc tế.
Trong thư, ông Vương tuyên bố rằng các thỏa thuận như vậy không áp dụng được đối với đội tàu đánh cá của Trung Quốc.
Bức thư viết: “Trung Quốc không có nghĩa vụ phải chấp nhận việc thực thi pháp luật của các quốc gia khác ngoài các quốc gia ven biển đối với các hoạt động đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của họ”.
Chuẩn đô đốc Tuần duyên Hoa Kỳ Michael Day hôm 10/4 nói rằng tuyên bố của đại sứ Trung Quốc là không chính xác và các thỏa thuận vận chuyển tàu song phương tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ông nói trong cuộc họp báo ở Honolulu đón tàu tuần duyên Hoa Kỳ Harriet Lane trở về sau chuyến tuần tra quần đảo Thái Bình Dương: “Chúng tôi thực hiện những cuộc lên tàu khám xét này theo yêu cầu của những quốc gia sở tại mời chúng tôi đi cùng, để hợp tác với họ trong việc bảo vệ Vùng đặc quyền kinh tế của họ”.
“Một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở được xác định dựa trên việc tuân theo các quy tắc, chuẩn mực và luật pháp quốc tế, và tôi vui mừng nói rằng lực lượng tuần duyên đang tuân thủ tất cả luật pháp quốc tế và đây là những hoạt động lên tàu hợp pháp”.
Trung tá Nicole Tesoniero nói rằng các thỏa thuận đi chung tàu với Samoa, Fiji, Vanuatu và Papua New Guinea mang lại kết quả là 23 cuộc khám xét tàu đánh cá hoạt động ở “những nơi xa trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia liên quan”, với 12 vụ vi phạm bị cảnh sát địa phương phát hiện.
Bà Tesoniero nói: “Việc nhắm mục tiêu vào các tàu trong vùng đặc quyền kinh tế cũng như các hành động thực thi đều do các đối tác của chúng tôi quyết định”.
Cuộc tuần tra diễn ra sau khi Vanuatu và Quần đảo Solomon, các đảo quốc Thái Bình Dương có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, chặn Cảnh sát biển Hoa Kỳ đến cảng để tiếp nhiên liệu vào năm 2022 và 2023 khi lực lượng này thực hiện một cuộc tuần tra đánh bắt cá bất hợp pháp thay mặt cho khối khu vực Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.