Bộ phim tài liệu độc lập “Những người bị bỏ lại phía sau” từng đoạt giải thưởng và được phát hành năm ngoái nói về những bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản làm việc vất vả, chỉ ngủ vài tiếng mỗi đêm, vì họ phải xoay sở giữa việc chăm sóc con cái và làm việc nhà, mặc dù vậy, vẫn phải chịu cảnh nghèo đói.
Bộ phim cho thấy mặt trái của một nền văn hóa đề cao lý tưởng cho rằng việc của phụ nữ là kết hôn và trở thành những bà nội trợ hay bà mẹ nội trợ, chỉ ở nhà.
Nhà làm phim người Úc Rionne McAvoy nói với AP hôm thứ Ba 23/1: "Đây là một chủ đề mà không ai thực sự muốn động tới. Ở Nhật Bản, điều này rất cấm kỵ. Tôi nghĩ đó là một tên phim rất phù hợp vì tôi cảm thấy những bà mẹ đơn thân và con cái của họ thực sự bị bỏ lại phía sau trong xã hội".
Một người phụ nữ trong phim cho biết chị làm việc từ 8h30 sáng đến 7h30 tối và kiếm được chưa đến 200.000 yên (1.350 đô la) mỗi tháng.
Tomiko Nakayama, một phụ nữ khác trong phim, nói: “Tôi phải tự mình làm mọi việc”.
Tuy là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, song Nhật Bản lại có tỷ lệ trẻ em nghèo cao nhất trong số các nước OECD, cứ 7 trẻ em lại có 1 trẻ sống trong cảnh nghèo đói. Khoảng một nửa số hộ gia đình có mẹ hoặc cha đơn thân sống dưới mức nghèo khổ.
Xã hội Nhật Bản cũng có xu hướng ưu ái nam giới làm việc toàn thời gian, phụ nữ thường nhận được mức lương thấp hơn và ít phúc lợi hơn, ngay cả khi họ làm việc toàn thời gian và làm thêm giờ.
Một người phụ nữ khác trong phim đã suýt rơi nước mắt khi kể lại việc con của chị không còn đề nghị chị tham gia những ngày mà bố mẹ cần đến trường cùng con. Cô con gái biết rằng mẹ mình quá bận và không thể tham dự.
Vợ của McAvoy, Ayuri, chủ nhiệm sản xuất phim này, trước đây là một bà mẹ đơn thân. Nhưng cả hai ông bà đều phủ nhận chuyện đó là lý do mà Rionne McAvoy đã làm phim này.
Theo Rionne McAvoy, điều khiến câu chuyện trở nên “rất có chất Nhật Bản” là nền văn hóa tuân thủ của đất nước này khiến nhiều phụ nữ cắn răng chịu đựng khó khăn, quá xấu hổ không dám đề nghị người khác giúp đỡ, “họ tách bạch thể diện trước công chúng với khuôn mặt của đời sống riêng tư”, ông nói với hãng tin AP.
“Những người bị bỏ lại phía sau” (The Ones Left Behind) đã đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Từ thiện Miyakojima hồi năm ngoái và là một phim chọn lọc chính thức tại Liên hoan Phim Quốc tế Yokohama.
Akihiko Kato, giáo sư tại Đại học Meiji, người xuất hiện trong phim, nói rằng dù chính phủ Nhật Bản nhiều lần hứa đi hứa lại về việc trợ giúp bằng tiền cho những người có con nhỏ, song hành động quá chậm chạp.
Đó là một phần lý do vì sao tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đang giảm mạnh từ 1,2 triệu ca sinh năm 2000 xuống dưới 700.000 ca hiện nay. Theo giáo sư Kato, Nhật Bản cũng thiếu một hệ thống có thể buộc các ông bố phải trả tiền cấp dưỡng nuôi con.