Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 25/12 lên tiếng khẳng định rằng chính phủ Việt Nam “luôn coi trọng” và “sẽ tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững”.
Theo Cổng thông tin chính phủ (VGP News), lời cam kết này được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) với sự tham dự của đại diện cấp cao của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Phần sông Mekong trong lãnh thổ Trung Quốc được nước này đặt tên là Lan Thương (Lancang).
Ông Chính được trích lời nói rằng trước những chuyển đổi “nhanh chóng và sâu sắc của kinh tế thế giới”, sáu nước Mekong-Lan Thương “cần một tư duy mới toàn diện hơn, cùng cách tiếp cận toàn dân, toàn khu vực, toàn cầu và những giải pháp mới, quyết liệt, sáng tạo, đột phá”.
Theo VPG News, Thủ tướng Chính đã nêu đề xuất ba nội dung ưu tiên của MLC trong giai đoạn tới, trong đó có việc “xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm”.
Tin cho hay, ông Chính cho rằng “ưu tiên trước mắt là hỗ trợ các nước thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết về cắt giảm khí thải carbon hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn”.
Ông Chính cũng được trích lời nói rằng các nước có chung dòng sông “cần tăng cường hợp tác toàn lưu vực về bảo tồn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững, công bằng và hợp lý dòng sông chung Mekong-Lan Thương, đặc biệt là không làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông”.
Theo thông tin được VPG News đăng tải, Thủ tướng Chính không nêu rõ cụ thể chi tiết về việc nước nào “làm thay đổi dòng chảy tự nhiên” của sông Mekong, vốn là vấn đề gây quan ngại trong nhiều năm qua.
VOA tiếng Anh hồi tháng 8 năm nay đăng một bài viết có tựa đề “Đập Trung Quốc trên sông Mekong làm tồi tệ kinh tế Đông Nam Á giữa mùa hạn”.
Bài báo này viết rằng khi hạn hán xảy ra, các con đập của Trung Quốc chặn dòng sông “càng làm trầm trọng thêm tình trạng ở hạ lưu, tạo ra tình trạng mất an ninh lương thực cho gần 60 triệu người ở các quốc gia như Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, vốn dựa vào dòng sông này để sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp”.
Your browser doesn’t support HTML5