338 người Việt mắc kẹt tại vùng giao tranh ở Myanmar trở về nước

Những người di tản nghỉ ngơi bên cạnh những chiếc xe tải tại nơi tạm trú ở Mong Yang, bang Shan, phía bắc Myanmar vào ngày 15/11/2023 khi giao tranh nổ ra ở khu vực này. Nhiều công dân Việt Nam cũng bị mắc kẹt trong khu vực chiến sự.

338 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại khu vực giao tranh thuộc miền bắc Myanmar vừa được đưa về nước hôm 5/12, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em và những người bị lừa sang Myanmar lao động và bị chủ bỏ rơi nên mắc kẹt lại ở nơi có đụng độ giữa quân đội Myanmar và người thiểu số.

Đây là nhóm người đầu tiên được đưa trở về nước trong số khoảng 700 công dân Việt Nam đang trú “ở vùng tạm thời an toàn” tại miền bắc Myanmar, trang tin của chính phủ Việt Nam cho hay.

“Thực hiện chủ trương nhân đạo của Nhà nước Việt Nam và nhằm bảo đảm an toàn tối đa tính mạng của công dân. Toàn bộ chi phí đưa công dân về nước được Chính phủ chi trả”, VTV đưa tin.

Trước đó, hôm 1/12, đài RFA dẫn thông tin từ một nhóm người Việt - nằm trong số 166 người được quân đội của chính quyền quân sự Myanmar giải cứu hôm 20/10 - cho biết họ đã trải qua 40 ngày “không có cơm ăn, không điện, không nước” và đang trong tình trạng bị lạnh, ngoài ra, họ cũng “hết tiền ăn, lương thực giờ đã cạn kiệt”.

166 người này đã bị lừa sang Myanmar để làm việc cho những công ty cờ bạc trực tuyến. Sau khi được giải cứu, họ được bố trí sống tạm trong một trường học bị bỏ hoang.

Nhóm người này khi trả lời RFA cho hay họ đã báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và được xác nhận đã nhận được thông tin nhưng chưa có ai đến thăm hay giúp đưa họ về nước.

“Mong tất cả Đại Sứ quán và Chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng cứu lấy chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi về quê hương sớm nhất có thể”, một người trong nhóm nói, được RFA trích dẫn.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/11 khuyến cáo công dân “nếu không thực sự cần thiết không nên đến hoặc tránh đến khu vực bang Shan và bang Rakhine”, nơi đang xảy ra giao tranh ở Myanmar, và kêu gọi công dân Việt Nam đang sống trong các bang này cần “có phương án chủ động sơ tán an toàn người và tài sản sang nước thứ ba hoặc về Việt Nam”.

Việt Nam nói tình trạng giao tranh ở khu vực này cùng với một số bang khác của Myanmar, trong đó có bang Cayin, gây khó khăn cho việc tiếp cận và bảo hộ công dân.

Giao tranh đã nổ ra nhiều tuần qua trên khắp bang Shan thuộc miền bắc, gần biên giới Trung Quốc, đặt ra thách thức quân sự lớn nhất đối với chính quyền quân sự Myanmar kể từ khi họ lên nắm quyền vào năm 2021.

Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA) cho hay họ đã chiếm giữ hàng chục tiền đồn quân sự và chặn các tuyến thương mại quan trọng đến Trung Quốc.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (UNOCHA) nói “Tính đến ngày 9/11, gần 50.000 người ở bang Shan miền Bắc đã bị buộc phải chạy nạn”, theo AFP.