Lực lượng Israel hôm 29/10 đã mở chiến dịch trên bộ nhắm vào Hamas ở Gaza mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi là giai đoạn thứ hai của cuộc chiến kéo dài ba tuần qua nhằm mục đích triệt hạ nhóm chiến binh Palestine.
Tuy nhiên, liên lạc qua điện thoại và Internet ở Gaza, phần lớn bị cắt đứt vào cuối ngày 27/10, khi máy bay chiến đấu của Israel ném bom và quân đội của họ tiến vào vùng đất do Hamas cai trị, đã dần hoạt động trở lại hôm 29/10, truyền thông Palestine đưa tin.
Sự gián đoạn liên lạc đã ảnh hưởng đến hoạt động cứu hộ, khiến những người bị tác động bởi các cuộc không kích không thể liên lạc để kêu cứu.
Hàng nghìn cư dân Gaza tuyệt vọng đã đột nhập vào các nhà kho và trung tâm phân phối của Cơ quan tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) để lấy bột mì và "các vật dụng thiết yếu", tổ chức này cho biết hôm 29/10.
Đại tá Elad Goren của Cogat, cơ quan của Bộ Quốc phòng Israel phối hợp với người Palestine, cho biết rằng Israel sẽ cho phép tăng viện trợ đáng kể cho Gaza trong những ngày tới và thường dân Palestine nên đến "khu vực nhân đạo" ở phía nam lãnh thổ nhỏ bé này.
Ông Netanyahu cảnh báo người Israel về một chiến dịch "lâu dài và khó khăn" nhưng không gọi các cuộc xâm nhập hiện thời là một cuộc xâm lược.
Các quan chức Mỹ cho biết rằng một số trợ lý của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khuyên những người đồng cấp Israel nên tạm dừng một cuộc tấn công tổng lực ngay lập tức.
Ngay cả khi các hoạt động trên bộ ban đầu hiện thời có vẻ hạn chế, ông Netanyahu cam kết sẽ nỗ lực hết sức để giải thoát hơn 200 con tin, bao gồm cả người nước ngoài, bị Hamas bắt giữ.
“Đây là giai đoạn thứ hai của cuộc chiến với mục tiêu rõ ràng - nhằm tiêu diệt khả năng quản lý và quân sự của Hamas cũng như đưa các con tin về nước”, ông Netanyahu nói trong một cuộc họp báo hôm 28/10.
“Chúng tôi chỉ mới ở bước khởi đầu”, ông nói. "Chúng tôi sẽ tiêu diệt kẻ thù cả trên lẫn dưới mặt đất”.
Israel đã thắt chặt phong tỏa và oanh kích Gaza trong ba tuần qua, kể từ cuộc tấn công tàn khốc của nhóm Hồi giáo Hamas vào ngày 7 tháng 10. Chính quyền Israel cho biết ít nhất 1.400 người Israel đã thiệt mạng trong ngày đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm của đất nước này.
Các nước phương Tây nhìn chung ủng hộ điều mà họ cho là quyền tự vệ của Israel. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều làn sóng phản đối quốc tế về số người thiệt mạng vì các cuộc oanh kích và ngày càng có nhiều lời kêu gọi "tạm dừng nhân đạo" để cho phép viện trợ đến tay người dân ở Gaza và xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Các cơ quan y tế ở Dải Gaza, nơi có dân số 2,3 triệu người, cho biết 7.650 người Palestine đã thiệt mạng trong chiến dịch của Israel nhằm tiêu diệt các chiến binh được Iran hậu thuẫn.