Việc hai nước cựu thù chiến tranh Hoa Kỳ - Việt Nam tiến tới nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào đầu tuần này cho thấy sự tồn tại và tiềm năng của hình thái ngoại giao “đa ái”, tương phản với cách tiếp cận truyền thống theo kiểu “một mất một còn” hay phương thức “bạn-thù”, theo nhận định của một chuyên gia cấp cao nghiên cứu về Việt Nam tại Mỹ.
Việt Nam sẽ xa Trung khi gần Mỹ: Chưa đúng và chưa đủ!
Kể cả trước và sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất, một luồng quan điểm nổi lên rất rõ xoay quanh sự kiện này là Mỹ đang bắt tay với Việt Nam để “chống Trung Quốc” và Hà Nội đang tìm cách “thoát Trung” khi tiến gần hơn với Mỹ.
Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Hòa bình Mỹ (USIP), cho rằng nhận định này không hoàn toàn chính xác, hay nói đúng hơn là chưa đủ, bởi mối quan hệ Việt – Mỹ có rất nhiều nội dung đặc biệt và quan trọng khác ngoài vấn đề an ninh – quốc phòng.
“Một là đối tác chiến lược về an ninh trong khu vực Đông Nam Á. Hai là hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng cường rất mạnh sau khi bình thường hóa quan hệ và ký thỏa thuận về thương mại Việt Mỹ năm 2001. Bây giờ thì Mỹ là đối tác kinh tế thứ hai của Việt Nam. Và rõ ràng bây giờ Việt Nam có một chiến lược phát triển kinh tế liên quan đến công nghệ cao. Chính cái này là Việt Nam muốn tăng cường cộng tác với Mỹ. Có người nói, để Việt Nam tránh cái bẫy thu nhập trung bình, thì Việt Nam phải hợp tác với Mỹ và các nước giàu hơn. Nếu cộng tác với Trung Quốc và các nước xung quanh ở châu Á thì rất khó phát triển tiếp”, TS. Wells-Dang phân tích.
Ngoài ra, Việt Nam và Mỹ cũng có những quan hệ đặc biệt khác như hàng triệu người Việt đã sang Mỹ tị nạn sau chiến tranh và trở thành công dân Mỹ, các chương trình hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh, bên cạnh những chương trình hợp tác về giáo dục-đào tạo...
Vì vậy, theo ông, nếu xét về khía cạnh an ninh khu vực thì việc nâng cấp quan hệ có liên quan đến Trung Quốc là “đúng nhưng chưa đủ”, và điều này đã được thể hiện trong lời khẳng định của Tổng thống Biden khi ông ở Hà Nội vào đầu tuần này.
“Chính Tổng thống Biden nói rất rõ rằng việc tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam không phải là vì Trung Quốc hay Chiến tranh lạnh mới, mà là một cách để tiếp tục ủng hộ sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam và Đông Nam Á”, TS. Wells-Dang nói với VOA.
Việt Nam “thực dụng”, Mỹ “uyển chuyển”
Theo nhận định của Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, việc Hoa Kỳ - Việt Nam nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện là kết quả của một quá trình dài nhiều thập niên nỗ lực của cả hai phía, mà trong đó có sự linh hoạt đáng kể của các thế hệ lãnh đạo trong việc đáp ứng yêu cầu của “phía bên kia” và mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Ông cho rằng sau những trải nghiệm chiến tranh thương đau trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã có những tính toán “thực dụng”.
“Họ biết rằng các cường quốc có lợi ích xung đột nhau. Thay vì liên minh với một cường quốc này để chống lại một cường quốc khác, vốn đã gây ra những hậu quả tai hại như vậy ở một nước Việt Nam bị chia cắt (trong chiến tranh), họ sẽ tìm cách hợp tác với tất cả mọi người”, TS. Wells-Dang nhận định.
Mục tiêu này được xác định tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ VII vào năm 1991 khi Hà Nội tuyên bố “trở thành bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.
Bước chuyến biến về chính sách này đã mở đường cho những bước tiến mạnh mẽ sau đó trong mối quan hệ giữa Việt Nam với cựu thù Hoa Kỳ.
Còn xét về phía Mỹ, TS. Wells-Dang cho rằng chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama là một thời điểm rất quan trọng.
“Vì đây là lần đầu tiên Mỹ tôn trọng đảng cộng sản Việt Nam (trong tư cách) là lãnh đạo”, chuyên gia của USIP nói.
Trước đó, theo lời TS. Wells-Dang, những chuyến thăm gặp được thực hiện chỉ là vì lý do “phải hợp tác với Việt Nam mà thôi” và thường là với người đứng đầu nhà nước, chứ không phải với một lãnh đạo đảng cộng sản.
“Sau đó thì tất cả các tổng thống Mỹ đều nói là Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam, và lãnh đạo Việt Nam cũng luôn luôn nhắc lại việc đó. Nhưng đây cũng là một nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế thôi, nước nào cũng vậy. [Điều này] không có ý là Mỹ phải đồng ý với hệ thống chính trị hay là các quyết định của Việt Nam, và Việt Nam cũng không cần thiết phải đồng ý với những cái Mỹ đang làm hay hệ thống dân chủ ở Mỹ, nhưng hai bên vẫn sẽ hợp tác với nhau”.
TS. Wells-Dang tin rằng một khi mối quan hệ giữa hai bên chặt chẽ hơn, hai phía sẽ có nhiều cơ hội “trao đổi” với nhau hơn để giải quyết những khúc mắc và khác biệt, chẳng hạn như vấn đề nhân quyền.
Chuyến đi “quan trọng” và “cần thiết” đến Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng
Mặc dù việc nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã được lên kế hoạch và được một số nguồn tin tiết lộ từ cuối năm ngoái, nhưng những chuyển biến bất ngờ về chính trị tại Việt Nam trong thời gian qua đã dẫn đến nhiều lo ngại về khả năng kế hoạch không thành sự.
Hồi đầu năm nay, vốn được xem là năm “đẹp” và “thích hợp” để hai bên tổ chức sự kiện quan trọng này sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, Hà Nội bất ngờ “thay tướng” giữa đường. Những người được xem là “hiểu biết” hay thiên về Mỹ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bất ngờ bị bãi chức, khiến không ít người lo ngại về khả năng bất thành của việc nâng cấp quan hệ trong năm nay và thậm chí cả sự can thiệp của Trung Quốc.
Tuy nhiên, TS. Wells-Dang nói có 2 điều có thể quan sát thấy và ngầm hiểu trong những diễn biến chính trị tại Việt Nam thời gian qua.
“Một là, việc Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh là rất quan trọng và phải làm thế. Nếu không, Trung Quốc lại không đồng ý và không hiểu tại sao Việt Nam lại nâng cấp với Mỹ. Tôi không biết hai lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc đã nói gì, nhưng chắc chắn là phía Việt Nam đã nói gì đấy giải thích với Trung Quốc về chính sách đối ngoại độc lập của họ”.
“Thứ hai, đúng là trong năm nay có một số lãnh đạo mới thay các ông phải từ chức, nên những người mới chưa có nhiều kinh nghiệm về Mỹ và phương Tây bằng các lãnh đạo trước. Nhưng chính vì thế, có thể họ muốn tham gia và muốn cho thấy là bây giờ dù ai lãnh đạo thì cũng sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại của Việt Nam từ trước”.
Hình thái “đa ái” trong ngoại giao
Theo TS. Wells-Dang, hệ thống chính trị toàn cầu sau thế chiến thứ hai rồi đến Chiến tranh lạnh đã phân cực thế giới thành hai phe, một bên là các nước chủ nghĩa xã hội và bên kia là các nước tư bản. Ông nói, từ góc nhìn của Mỹ, thì chỉ có hai lựa chọn: hoặc “bạn đi cùng chúng tôi” (là “bạn”), hai là ở bên phía kia – là “thù”.
Chuyên gia của USIP nói mối quan hệ Mỹ - Việt hiện tại cho thấy các mối quan hệ chính trị trong thế giới hôm nay không đơn thuần chỉ là “bạn – thù” nữa, mà nổi lên hình thái “đa ái trong ngoại giao” (diplomatic polyamory) – làm bạn với tất cả.
“Chính sách đối ngoại của Việt Nam là một cách để thử xem có một cách nào mà không cần phải ở bên này hay bên kia nhưng hợp tác với tất cả. Thành công đến mức nào thì chúng ta phải tiếp tục để ý, nhưng đến giờ thì Việt Nam có một số thành tựu lớn từ chính sách đó”, TS. Wells-Dang nói thêm.
Do đó, nếu xét trong khía cạnh này, sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ, nếu Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc, Nga và các nước khác thì điều này, theo ông, cũng là bình thường.
Khi được hỏi liệu sau cột mốc quan trọng vừa qua, Hà Nội và Washington đã vượt qua những “lấn cấn” về lòng tin giữa hai bên hay chưa, vì đây là một thực tế mà một số chuyên gia vẫn đề cập đến bất chấp những lời tán dương của cả hai phía lãnh đạo về những thành quả của việc “xây dựng lòng tin”, TS. Wells-Dang nói:
“Chưa nói được là lãnh đạo hai nước nghĩ gì. Mình chỉ biết là họ nói gì và làm gì. Nhưng suy nghĩ thì có thể vẫn có một số lo ngại trong đầu. Thứ hai, cả Mỹ và Việt Nam không phải hoàn toàn giống nhau và cả giữa những bộ ngành khác nhau ở Việt Nam thì có những quan điểm khác nhau...”