Philippines chưa bao giờ hứa với Trung Quốc rằng họ sẽ di dời một tàu chiến mắc cạn đang là tiền đồn quân sự ở Biển Đông, một quan chức an ninh cấp cao của nước này nói hôm thứ Tư (9/8), và xem tuyên bố của Bắc Kinh là “hình dung trong trí tưởng tượng của họ”.
Philippines lâu nay duy trì một số ít binh sĩ trên chiếc tàu Sierra Madre mắc cạn từ thời Thế chiến thứ hai tại Bãi Cỏ Mây, mà Manila gọi là bãi cạn Ayungin, nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) dài 200 hải lý của nước này.
Trung Quốc hôm thứ Hai cáo buộc Philippines không giữ lời hứa “rõ ràng” là sẽ di dời con tàu mà Manila đã cho neo đậu vào năm 1999 để củng cố yêu sách lãnh thổ của mình tại một trong những khu vực tranh chấp nhất trên thế giới.
“Chính phủ Philippines sẽ không bao giờ đồng ý một thỏa thuận mà chúng tôi sẽ phải từ bỏ quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với bãi cạn Ayungin”, ông Jonathan Malaya, trợ lý tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia, nói trong một cuộc họp báo.
“Đây là sản phẩm trong trí tưởng tượng của họ nhằm phục vụ cho tất cả những ý đồ và mục đích của họ”, ông Malaya nói, thách thức Trung Quốc đưa ra bằng chứng về lời hứa này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết họ không có bình luận gì.
Trung Quốc và Philippines đã đối đầu tại bãi cạn này trong nhiều năm, mới nhất là vào hôm thứ Bảy. Philippines cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng để cản trở nhiệm vụ tiếp tế cho tàu Sierra Madre.
Ông Malaya nói Philippines “cam kết duy trì” con tàu rỉ sét trên bãi cạn, đồng thời nói thêm rằng đó là “biểu tượng chủ quyền của chúng tôi tại một bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”.
Vùng đặc quyền kinh tế trao cho một quốc gia quyền chủ quyền đối với việc đánh bắt cá và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi 200 dặm tính từ bờ biển của quốc gia đó, nhưng nó không biểu thị chủ quyền đối với khu vực đó.
Philippines đã giành được một phán quyết trọng tài quốc tế chống lại Trung Quốc vào năm 2016, sau khi một tòa án tuyên bố yêu sách chủ quyền sâu rộng của Bắc Kinh đối với hầu hết khu vực Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, bao gồm cả Bãi Cỏ Mây.
Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa ở Biển Đông và tuyên bố chủ quyền lịch sử của nước này chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia.
Ông Jay Batongbacal, một chuyên gia hàng hải tại Đại học Philippines, cho biết việc kiểm soát Bãi Cỏ Mây không chỉ mang tính chiến lược đối với Trung Quốc mà còn có thể là “một địa điểm lý tưởng khác để xây dựng căn cứ quân sự”.