Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/8 nói cuộc tập trận vừa kết thúc của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam” và “không có lợi” cho quá trình đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc về COC.
“Việc Trung Quốc đưa một phần của quần đảo Hoàng Sa vào khu vực tập trận quân sự ở Biển Đông từ ngày 29/7 đến 2/8 đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình ổn định và hợp tác trên Biển Đông”, người phát ngôn Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo chiều 3/8.
Trước đó, hôm 28/7, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc ra thông báo về cuộc tập trận quân sự lớn ở Biển Đông của quân đội nước này từ ngày 29/7 đến 2/8, trải dài trên một khu vực rộng lớn bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Bãi Macclesfield.
Trong thông báo, cơ quan của Trung Quốc nói tàu thuyền bị cấm đi vào khu vực này trong thời gian diễn tập.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và không tái diễn vi phạm tương tự”, phát ngôn viên Phạm Thu Hằng nói hôm 3/8.
Cuộc tập trận diễn ra chỉ hai tuần sau khi Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á hôm 13/7 nhất trí cố gắng và ký kết trong vòng ba năm Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC), vốn đã bị trì hoãn từ lâu, nhằm ngăn chặn các cuộc tranh chấp lãnh thổ thường xuyên ở khu vực Biển Đông biến thành một cuộc xung đột vũ trang lớn, theo AP.
Cam kết này đã được nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị và đại diện ngoại giao của khối 10 quốc gia Đông Nam Á đưa ra tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của khối ở Indonesia vào tháng trước.
Trung Quốc và bốn quốc gia thành viên của ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, cùng với Đài Loan đã rơi vào một cuộc đối đầu tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập niên trên Biển Đông, tuyến thủy lộ quan trọng đối với thương mại toàn cầu và được cho là có chứa nguồn tài nguyên khổng lồ về dầu và khí đốt.