Nhiều kiểu sinh hoạt vốn chỉ có từ thời bao cấp cách đây mấy thập niên nay trở lại vì nhiều khu vực ở Hà Nội bị cắt điện luân phiên trong chính sách tiết kiệm điện của Việt Nam giữa đợt nóng kéo dài, khiến nhiều người ngán ngẩm.
Bà Nguyễn Xuân Dung, một cựu giáo viên ở quận Hoàng Mai, cho VOA biết khu dân cư nơi bà sinh sống bị cúp điện luân phiên từ sáng tới tối muộn giữa cái nóng gần 40 độ C khiến những người hưu trí như vợ chồng bà không thể chịu nổi. Bà nói con cái bà có thể chạy tới công sở tránh nóng, chứ vợ chồng bà ở nhà là ‘lãnh đủ’. Bữa tối của gia đình, theo lời bà kể,diễn ra trong ánh nến leo lét như thời bao cấp cách đây gần nửa thế kỷ.
“Tối là phải mang cả giường bạt ra ngoài cửa cùng cái quạt nan phe phẩy, không chỉ giường bạt mà cả các loại ghế cũng lôi ra để cả nhà ngồi ngoài cửa mà hóng mát,” bà Dung chia sẻ.
Bà nói thời bao cấp cách đây mấy chục năm dân cư còn ít, môi trường sống thoáng đãng hơn nên có mất điện phải ra ngoài hóng mát thì vẫn dễ chịu, chứ bây giờ nhà cửa san sát, đường sá thu hẹp, làm gì cònkhông gian và gió nữa. Cho nên, tình trạng cắt điện kéo dài như thế này đúng là ‘khổ vô cùng’, ‘không khéo thì cả hai vợ chồng ốm mất’, bà Dung than vãn.
Khác với bà Dung, bà Vũ Xuân Loan, một cư dân sống cùng khu vực ở quận Hoàng Mai, chọn giải pháp ‘sơ tán’ đến nhà em gái ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, vốn là nơi tọa lạc của Ủy Ban Nhân dân Thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên hầu như không bao giờ bị cắt điện, để tránh nóng. Bà Loan cho biết hai vợ chồng bà già yếu, chồng bà lại bị huyết áp cao nên không thể chịu đựng nóng nực cả ngày. Hơn thế, chuyện nóng nực không phải là điều phiền toáiduy nhất trong những ngày oi bức bị cúp điện.
“Nóng thì cũng có thể cố chịu, nhưng tủ lạnh, đồ ăn thức uống để trong đấy mà lại cứ cắt điện cả ngày thì ăn làm sao được. Chưa kể không có gì mà đun nấu ý chứ,” bà Loan nói.
Một ‘giải pháp’ tránh nóng khác cũng được nhiều người tận dụng là tìm tới các trung tâm thương mại, vốn là cơ sở kinh doanh được ưu tiên không cắt điện, khiến các trung tâm thương mại trên khắp địa bàn Hà Nội thường xuyên đông đúc, có nơi quá tải, trong những ngày gần đây.
Anh Nguyễn Thanh Hải, một cư dân sinh sống tại quận Thanh Xuân cho biết, trong những ngày bị cắt điện là cả nhà lại sinh hoạt từ ăn uống, vui chơi, thậm chí là vệ sinh cá nhân tại một trung tâm thương mại gần nhà, thay vì ở nhà chịu nóng. Tuy có hơi bất tiện và tốn kém một chút nhưng dù sao vẫn còn có thể chấp nhận được, anh nói.
“Bây giờ vào các trung tâm thương mại như Royal City thì nó cũng rộng. Nên thôi thì hôm đấy vào đấy đi mua đồ và ăn uống cũng được,” anh Hải cho biết.
Trường hợp như anh Hải cũng còn may vì ở trong khu vực bị cắt điện nửa ngày. Những ai trong khu vực bị cắt điện cả ngày thì vạ vật trong các trung tâm thương mại từ sáng tới đêm cũng không thể là giải pháp.
Anh Nguyễn Thành Trung, một cư dân sinh sống tại một phường ven sông Hồng thuộc quận Hoàn Kiếm,cho biết nhà anh phải kết hợp nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng cúp điện giữa đợt nắng nóng kéo dài:
“Nhà thì có cái quạt sạc pin, có cái quạt đấy thì mình có thể nằm được. Mình thì mình đi làm, trẻ con thì chiều đi bơi mấy tiếng, sáng thì cho ra quán cà phê ngồi ăn sáng, uống cà phê và làm bài vở cho đến tận trưa thì về ăn uống nghỉ ngơi tí, rồi sau đó lại đi học thêm đến tận chiều tối là hết ngày,” anh Trung tâm sự.
Báo nhà nước dẫn lời ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, giải thích tình trạng thiếu điện trầm trọng là do hệ thống điện hiện có nhiều nguồn từthủy điện, năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết trong khi nhiều hồ thủy điện đang thiếu nước nghiêm trọng, không có khả năng cung ứng điện.
Vẫn theo lời giới chức này, Bộ Công Thương đang áp dụng nhiều giải pháp để ứng phó như chỉ đạo cung ứng nhiên liệu than, khí để phát điện.
Về huy động nguồn điện từ các nguồn tái tạo, ông Hòa cho biết Bộ đã thống nhất mức giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời để cung cấp thêm vào lưới điện quốc gia trong hoàn cảnh hiện nay.