Dòng nước ngập lụt do một con đập lớn ở miền nam Ukraine bị phá hủy, mà cả hai phía Ukraine và Nga tố lẫn nhau là hành động phá hoại trong thời chiến, dự kiến sẽ lên đến đỉnh điểm vào thứ Tư (7/6), khiến hàng chục ngàn thường dân phải bỏ chạy để thoát hiểm.
Nhiều người lớn vác những đứa trẻ trên vai, ôm chó trên tay và mang đồ đạc trong túi nhựa, lội qua những con đường ngập lụt trong khi lực lượng cứu hộ sử dụng thuyền cao su để tìm kiếm trong những khu vực nước dâng cao quá đầu người.
Ukraine và Nga đều cáo buộc nhau cố tình phá hủy đập Nova Kakhovka vào thời điểm bước ngoặt lớn của cuộc chiến.
“Mọi thứ chìm trong nước, tất cả đồ đạc, tủ lạnh, thức ăn, tất cả hoa, mọi thứ đều trôi nổi. Tôi không biết phải làm gì”, Oksana, 53 tuổi, ở thành phố Kherson, phía hạ lưu con đập, nói với Reuters.
Ukraine cho biết 42.000 người có nguy cơ trực tiếp bị ngập lụt và hàng trăm nghìn người sẽ không có nước uống.
Có thể nhìn thấy một mái nhà của một ngôi nhà bị cuốn vào dòng nước cuồn cuộn của sông Dnipro.
“Nếu nước dâng thêm một mét nữa, chúng tôi sẽ mất nhà”, Oleksandr Reva, người sống ở một ngôi làng bên bờ sông, cho biết khi đang chuyển đồ đạc của gia đình đến ngôi nhà bỏ hoang của một người hàng xóm ở khu đất cao hơn.
Người dân đổ lỗi thảm họa cho quân đội Nga, những người kiểm soát con đập từ vị trí của họ ở bờ đối diện.
“Họ ghét chúng tôi”, Reva nói. “Họ muốn tiêu diệt quốc gia Ukraine. Và họ không quan tâm là làm bằng cách nào vì không có gì là thiêng liêng đối với họ”.
Nga đã ban hành tình trạng khẩn cấp tại các khu vực của tỉnh Kherson do Nga kiểm soát, nơi có nhiều thị trấn và làng mạc nằm ở vùng đất thấp bên dưới con đập. Người dân ở đó nói với Reuters qua điện thoại rằng quân đội Nga tuần tra trên đường phố bằng xe lội nước đang đe dọa những thường dân đến gần.
Một sở thú bên bờ sông ở bên phía Nga bị ngập lụt, giết chết tất cả những con thú bên trong, nhân viên cho biết.
Hậu quả của thảm họa sẽ được thấy được trong nhiều thập niên ở miền nam Ukraine. Hồ chứa khổng lồ phía sau con đập là một trong những đặc điểm địa lý chính của Ukraine và nước của nó đã tưới tiêu cho những vùng đất nông nghiệp rộng lớn ở một trong những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, bao gồm cả Crimea, nơi bị Nga chiếm giữ vào năm 2014.
Người đứng đầu viện trợ của Liên Hiệp Quốc, Martin Griffiths, nói với Hội đồng Bảo an rằng vụ ngập lụt “sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng đối với hàng nghìn người ở miền nam Ukraine ở cả hai bên chiến tuyến do mất nhà cửa, lương thực, nước sạch và sinh kế”.
“Mức độ nghiêm trọng của thảm họa sẽ chỉ được nhận thức đầy đủ trong những ngày tới”, ông nói.
Việc nhắm mục tiêu vào các con đập trong chiến tranh đã bị nghiêm cấm rõ ràng trong Công ước Geneva.
Không bên nào đưa ra bằng chứng công khai chứng minh ai là thủ phạm.
“Cả thế giới sẽ biết về tội ác chiến tranh này của Nga”, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng đêm, gọi đó là “quả bom môi trường hủy diệt hàng loạt”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Ba nói Ukraine đã phá hoại con đập để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi một cuộc phản công mới mà ông nói là “chùn bước”.
Washington cho biết họ vẫn đang thu thập bằng chứng về việc ai là người chịu trách nhiệm, nhưng Ukraine sẽ không có lý do gì để gây ra sự tàn phá như vậy cho mình.
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood nói với các phóng viên: “Tại sao Ukraine lại làm điều này với lãnh thổ và người dân của họ, gây lũ lụt cho đất đai của họ, buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa - điều đó thật vô nghĩa”.