Việt Nam tắt bớt đèn đường và các nhà sản xuất chuyển hoạt động sang giờ thấp điểm để hệ thống điện quốc gia vẫn vận hành trong bối cảnh nhiệt độ tăng kỷ lục ở một số khu vực, khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến.
Trong khi các quan chức dự báo thời tiết cảnh báo đợt nắng nóng có thể kéo dài sang tháng 6, một số thành phố đã cắt giảm hệ thống chiếu sáng công cộng và các văn phòng chính phủ đã được kêu gọi cắt giảm 1/10 mức sử dụng điện sau khi công ty điện lực nhà nước EVN cho biết rằng lưới điện quốc gia sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng trong những tuần tới.
Các quan chức dự báo thời tiết cho biết rằng nhiệt độ trong tuần này dự kiến sẽ dao động trong khoảng từ 26 đến 38 độ C.
Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đã giảm bớt thời gian chiếu sáng công cộng một giờ mỗi ngày, đồng thời tắt một nửa số đèn trên một số tuyến đường chính và công viên.
“Nếu mọi người cùng tiết kiệm năng lượng thì tất cả sẽ có đủ điện sử dụng, còn nếu không sẽ xảy ra tình trạng quá tải điện cục bộ, gây nguy cơ cho lưới điện”, ông Lương Minh Quân, thợ điện của EVN tại Hà Nội, cho biết.
Tuần trước, Việt Nam kêu gọi tắt các thiết bị điện khi không sử dụng và điều hòa nhiệt độ luôn để ở mức trên 26 độ C.
Chính quyền đang thúc đẩy các công ty công nghiệp hoạt động trong giờ thấp điểm, khi nhu cầu điện nói chung thấp hơn, để giảm bớt áp lực lên lưới điện quốc gia, một nguồn tin giấu tên trong ngành cho biết.
Hơn 11.000 công ty, từ các nhà máy lớn của Tập đoàn Dệt may Texhong của Trung Quốc đến nhà sản xuất giày Changshin của Hàn Quốc, đã đồng ý cắt giảm tiêu thụ nếu có thể, Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) cho biết.
Một số người dân Hà Nội tìm đến công viên nước để giải nhiệt dù các chuyên gia cho rằng hoạt động dưới trời nắng nóng gay gắt có thể gây mất nước và kiệt sức.
Ông Trần Minh Trung, 48 tuổi, nói: “Nước có thể giúp vượt qua cái nóng vì không có giải pháp tức thời nào khác”.