Một cơ quan ngành hàng không đã đưa ra cảnh báo về việc Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn trong lĩnh vực cho thuê máy bay quốc tế sau vụ tranh chấp về việc thu hồi bốn máy bay phản lực, đặt ra câu hỏi về chi phí tài chính cho việc giao hàng trong tương lai.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, Việt Nam là một trong những thị trường du lịch hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, với hàng trăm máy bay phản lực được đặt hàng và vận tải hàng không chiếm 5% GDP.
Nhóm Công tác Hàng không, một tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh chuyên giám sát luật tài chính thay mặt cho các nhà sản xuất máy bay và bên cho thuê, cho biết họ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi sau khi một tòa án Hà Nội ngăn chặn nỗ lực tịch thu máy bay do vi phạm thanh toán tiền thuê.
Mặc dù không nêu tên hãng hàng không liên quan, nhưng một phiên bản cập nhật của cảnh báo đã được đăng trên trang web của hãng với liên kết đến tệp hồ sơ có tên “Cập nhật số 1 về VietJet”.
VietJet, một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á, không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Các hãng hàng không khác của Việt Nam cũng từ chối bình luận hoặc không phản hồi cho hãng thông tấn Anh.
VietJet vận hành các máy bay phản lực của Airbus và đã đặt hàng tổng cộng 186 máy bay phản lực từ tập đoàn của châu Âu, bao gồm 114 mẫu A320neo vẫn chưa được giao. Hãng hàng không này cũng đã đặt hàng 200 chiếc Boeing 737 MAX, nhưng chưa chiếc nào được giao.
Theo một hiệp ước được gọi là Công ước Cape Town (CTC) mà Việt Nam là thành viên, các hãng hàng không có thể đảm bảo được hưởng ưu đãi về lãi suất tài chính hay giảm giá trực tiếp khi quốc gia họ tham gia vào công ước này, giúp bên cho thuê dễ dàng thu hồi máy bay hơn trong trường hợp chậm thanh toán.
Công ước cho phép máy bay bị hủy đăng ký hoặc xóa khỏi sổ đăng ký máy bay của nước sở tại trong trường hợp có yêu cầu hợp pháp từ bên cho thuê và được đưa vào đăng ký quốc tế, cho phép chủ sở hữu đem máy bay đi.
AWG cho biết bên cho thuê giấu tên đã yêu cầu bước này từ tháng 11 đến tháng 1, được hỗ trợ bởi lệnh của tòa án ở Anh, nơi tòa án có thẩm quyền đối với hợp đồng cho thuê.
Cơ quan quản lý của Việt Nam đã đồng ý hủy đăng ký các máy bay phản lực, nhưng vào tháng 2, một tòa án Hà Nội đã hủy bỏ động thái đó sau một vụ kiện từ một trong những cổ đông của hãng hàng không.
Bản tin của AWG cho biết yêu cầu của bên cho thuê và phán quyết tiêu cực của tòa án Hà Nội “là những diễn biến quan trọng liên quan đến việc tuân thủ CTC tại Việt Nam”.
Cơ quan quản lý hàng không Việt Nam và Bộ Ngoại giao không trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.
Airbus từ chối bình luận và Reuters chưa thể tiếp cận được với Boeing để yêu cầu bình luận về vụ này.