Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/3 lên tiếng “hoan nghênh” Nga xem xét đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân Việt Nam.
Trang Facebook của Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News) dẫn lời của Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng “trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tích cực gặp gỡ, trao đổi với phía Nga về đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh với công dân Việt Nam”.
Theo VGP News, bà Hằng nói thêm rằng “Việt Nam hoan nghênh phía Nga xem xét đơn giản hóa thủ tục thị thực cho công dân Việt Nam, ủng hộ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và các nước giao thương, đi lại, tăng cường giao lưu nhân dân, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước”.
Trước đó, hôm 5/3, theo Reuters, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Evgeny Ivanov cho biết Nga đang nỗ lực nới lỏng thủ tục cấp thị thực cho 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Syria và Indonesia.
"Ngoài Ấn Độ, [việc đơn giản hóa thủ tục]... đang được xử lý với Angola, Việt Nam, Indonesia, Syria và Philippines”, ông Ivanov nói.
Trước đó, ông Ivanov cho biết rằng Nga cũng đang chuẩn bị thỏa thuận liên chính phủ về việc miễn thị thực với 11 quốc gia, trong đó có Ả rập Xê út, Barbados, Haiti, Zambia, Kuwait, Malaysia, Mexico và Trinidad, TASS đưa tin, theo Reuters.
Hãng tin Anh đưa tin rằng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine một năm trước, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, Moscow đã quay sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Phi, cố gắng tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia đó.
Trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu lên án cuộc xâm lược của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc và Ấn Độ đều không làm vậy, theo Reuters. Ấn Độ vẫn giữ lập trường trung lập, từ chối đổ lỗi cho Nga về cuộc xâm lược trong khi tăng cường mua dầu của Nga.
Trong khi đó, như VOA tiếng Việt đã đưa tin, cuối tháng trước, Việt Nam lại bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về việc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết không mang tính ràng buộc nhận được 141 phiếu thuận. 7 nước bỏ phiếu chống và 32 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Lào.