Các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC) cho Biển Đông sẽ được tăng cường trong năm nay, các quan chức Indonesia và Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư (22/2), giữa lúc khu vực này lo ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc trên tuyến đường thủy chiến lược.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại Jakarta, trước khi vòng đàm phán về bộ quy tắc bắt đầu vào tháng Ba.
“Indonesia và ASEAN muốn tạo ra một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, thực chất và khả thi”, bà Retno nói, đề cập đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà Indonesia làm chủ tịch năm nay.
Ông Tần Cương nói thêm rằng Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định trên tuyến thủy lộ thương mại chiến lược, nơi có khoảng 3,4 nghìn tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm.
Ông nói Trung Quốc sẽ làm việc với các nước ASEAN để đẩy nhanh các cuộc tham vấn về bộ quy tắc.
Vào năm 2002, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý hướng tới việc tạo ra một bộ quy tắc ứng xử, và phải mất 15 năm trước khi các bước được tiến hành để tạo ra một khuôn khổ cho các cuộc đàm phán.
Một số chuyên gia cáo buộc Trung Quốc cố tình trì hoãn quá trình tạo ra một bộ quy tắc ràng buộc, nói rằng Trung Quốc sử dụng chiến thuật vùng xám và tình trạng mơ hồ chiến lược để thúc đẩy cho các yêu sách lãnh thổ của mình. Trung Quốc nói họ cam kết theo đuổi để hoàn tất quá trình này.
Bộ quy tắc sẽ thúc đẩy cam kết năm 2002 của tất cả các bên nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không và “(kiềm chế) hành động sinh sống trên các đảo, bãi đá, bãi cạn, cồn cát và các thực thể khác hiện không có người”.
Các cuộc đàm phán mới nhất sẽ diễn ra trong bối cảnh Philippines gia tăng các phản đối ngoại giao chống lại Trung Quốc. Nước này đã tăng cường phối hợp với các cường quốc phương Tây như Hoa Kỳ và Úc để chống lại “sự hung hăng” của Trung Quốc.
Ông Tần Cương hôm thứ Tư nói rằng các quốc gia Đông Nam Á “không nên bị buộc phải đứng về phía nào”.
“Chiến tranh lạnh mới và sự cạnh tranh của các cường quốc không nên xuất hiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi tin tưởng rằng Indonesia và ASEAN sẽ đưa ra phán quyết và lựa chọn của mình một cách độc lập và tự chủ vì lợi ích cơ bản về ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực”, ông Tần Cương nói thêm.
Hai bên cũng thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar do quân đội cai trị, nơi ASEAN đã nỗ lực thuyết phục các tướng lĩnh thực hiện “đồng thuận 5 điểm” vì hòa bình sau cuộc đảo chính năm 2021.
“Với tư cách là chủ tịch ASEAN, Indonesia sẽ bắt tay vào các cam kết với tất cả các bên liên quan ở Myanmar, với mục tiêu duy nhất là mở ra khả năng đối thoại quốc gia toàn diện”, Ngoại trưởng Retno nói và cho biết thêm rằng Indonesia đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với quá trình này.