Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic, nói Nga cần phải dừng nỗ lực tuyển mộ người Serbia để chiến đấu bên cạnh hãng lính đánh thuê Wagner của họ ở Ukraine.
Ông Vucic chỉ trích các trang web và các nhóm truyền thông xã hội của Nga đăng quảng cáo bằng tiếng Serbia, trong đó hãng Wagner kêu gọi các tình nguyện viên gia nhập hàng ngũ của họ.
“Tại sao quý vị, từ Wagner, lại kêu gọi người của Serbia khi quý vị biết rằng điều đó trái với quy định của chúng tôi?”, ông Vucic nói vào tối thứ Hai 16/1 trong một chương trình phát sóng bởi Happy TV có trụ sở tại Belgrade.
Các tình nguyện viên người Serbia đã tham gia chiến đấu bên cạnh các lực lượng thân Nga ở Ukraine vào năm 2014 và 2015. Không ai biết rõ ràng số người chính xác tại bất kỳ thời điểm nào nhưng hàng chục người Serbia đã đăng ký chiến đấu ở Ukraine kể từ năm 2014, theo các nhà quan sát.
Cơ quan lập pháp Serbia cấm công dân của họ tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài và một số người đã bị kết án vì làm như vậy.
Ông Vucic phủ nhận thông tin đồn đoán cho rằng hãng Wagner, do ông Evgeny Prigozhin - một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin - lãnh đạo, đang hiện diện ở Serbia, nơi các tổ chức ủng hộ Điện Kremlin và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine.
Hôm 17/1, hãng thông tấn RIA của Nga phát sóng đoạn phim truyền hình về hai người đàn ông bịt mặt tự nhận họ là tình nguyện viên người Serbia tại một khóa huấn luyện vũ khí ở các khu vực do Nga kiểm soát thuộc vùng Zaporizhzhia ở Ukraine.
Serbia là ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu, đối tác thương mại và nhà đầu tư chính của nước này, nhưng nước này cũng duy trì hợp tác thương mại và quân sự với Nga, một đồng minh truyền thống của người Slav và Cơ đốc giáo chính thống.
Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, Milos Vucevic, cũng cảnh báo người Serbia không nên gia nhập hàng ngũ của Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
“Điều này sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý một khi họ có thể phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước”, ông Vucevic nói với Radio Free Europe.
Dù liên tục lên án hành động của Nga xâm lược Ukraine tại Liên Hiệp Quốc và một số diễn đàn quốc tế khác, song Belgrade cũng từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Serbia hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga, và nhà bán lẻ dầu NIS của nước này thuộc sở hữu của tập đoàn Gazprom của Nga.