Dân số Trung Quốc vào năm ngoái đã giảm lần đầu tiên sau sáu thập niên, một bước ngoặt lịch sử được cho là sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn dài sụt giảm dân số của nước này với những hệ lụy sâu sắc đối với nền kinh tế Trung Quốc và thế giới.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc báo cáo mức giảm khoảng 850.000 người trong tổng dân số 1,41175 tỷ người vào năm 2022, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ năm 1961, năm cuối cùng của Đại nạn đói ở Trung Quốc.
Điều này có thể làm cho Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc năm ngoái dự đoán Ấn Độ sẽ có dân số 1,412 tỷ người vào năm 2022 mặc dù họ không dự kiến quốc gia Nam Á này sẽ vượt qua Trung Quốc cho đến năm nay.
Tuy nhiên, Ấn Độ chỉ thu thập số liệu dân số 10 năm một lần và cuộc điều tra dân số mới nhất của nước này, dự kiến ban đầu là vào năm 2021 đã bị trì hoãn do đại dịch.
Về lâu dài, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều hơn gấp ba lần mức giảm so với dự báo trước đó của họ vào năm 2019.
Điều đó khiến các nhà nhân khẩu học trong nước than thở rằng dân số Trung Quốc sẽ già trước khi giàu, làm chậm nền kinh tế khi nguồn thu giảm và nợ chính phủ tăng lên do chi phí y tế và phúc lợi tăng vọt.
“Triển vọng nhân khẩu học và kinh tế của Trung Quốc ảm đạm hơn nhiều so với dự kiến. Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh các chính sách xã hội, kinh tế, quốc phòng và đối ngoại của mình”, nhà nhân khẩu học Yi Fuxian cho biết.
Ông nói thêm rằng lực lượng lao động bị thu hẹp của đất nước và sự suy giảm sức sản xuất sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng giá cả cao và lạm phát cao ở Hoa Kỳ và châu Âu.
“Tăng trưởng kinh tế sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng năng suất”, Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nói thêm.
Kang Yi, người đứng đầu cơ quan thống kê quốc gia, bác bỏ những lo ngại về sự suy giảm dân số, nói với các phóng viên rằng “nguồn cung lao động nói chung vẫn vượt quá mức cầu”.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm ngoái chỉ là 6,77 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với tỷ lệ 7,52 ca sinh vào năm 2021 và đánh dấu tỷ lệ sinh thấp nhất được ghi nhận.
Ông Kang cho biết số lượng phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi sinh đẻ, mà chính phủ xác định là từ 25 đến 35 tuổi, đã giảm khoảng 4 triệu người.
Tỷ lệ tử vong, cao nhất kể từ năm 1974 trong Cách mạng Văn hóa, là 7,37 người chết trên 1.000 người, so với tỷ lệ 7,18 người chết vào năm 2021.
Phần lớn suy thoái nhân khẩu học là kết quả của chính sách một con của Trung Quốc áp đặt từ năm 1980 đến năm 2015 cũng như chi phí giáo dục cao ngất ngưởng khiến nhiều người Trung Quốc không thể có nhiều hơn một con hoặc thậm chí không có con nào.
Chính sách một con và truyền thống ưa thích con trai cũng đã tạo ra sự mất cân bằng giới tính sâu sắc. Dữ liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc có khoảng 722 triệu nam giới so với 690 triệu nữ giới. Sự mất cân bằng, rõ rệt hơn ở khu vực nông thôn, đã dẫn đến việc hình thành ít gia đình hơn trong những năm gần đây.
Các chuyên gia dân số cho biết các chính sách nghiêm ngặt về “không có COVID” của Trung Quốc được áp dụng trong ba năm đã gây thêm thiệt hại cho triển vọng nhân khẩu học của đất nước.