Chính phủ Vương quốc Anh cho biết hôm thứ Năm 12/1 rằng một số lượng nhỏ những người được cấp loại visa được gọi là "thị thực bằng vàng ròng", là visa dành cho các nhà đầu tư triệu phú, có thể đã làm giàu nhờ tham nhũng hoặc tội phạm có tổ chức.
Chính phủ Anh hồi năm ngoái đã hủy bỏ loại thị thực này, vốn từng mở đường đến định cư ở Anh cho những người đầu tư ít nhất 2 triệu bảng Anh (2,43 triệu đô la). Việc hủy bỏ diễn ra chỉ ít ngày trước khi nổ ra cuộc xâm lược Ukraine, trong bối cảnh chính phủ Anh lo ngại về dòng tiền bất hợp pháp của người Nga.
Chính phủ Anh ra lệnh rà soát thị thực này lần đầu vào năm 2018 sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal ở Anh. Sau khi giữ bí mật về kết quả rà soát trong nhiều năm, chính phủ đã công bố chi tiết của cuộc điều tra đó trước quốc hội hôm 12/1.
"Việc rà soát lại các trường hợp đã xác định được rằng một số ít các cá nhân có liên quan đến lộ trình thị thực Hạng 1 (Nhà đầu tư) thuộc diện có nhiều khả năng đã trở nên giàu có thông qua tham nhũng hoặc hoạt động tài chính bất hợp pháp khác và/hoặc tham gia vào tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức", Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản gửi đến quốc hội Anh.
Loại thị thực này, lần đầu tiên được áp dụng vào năm 2008, đã rất phổ biến đối với những người giàu có ở Nga, Trung Quốc và Trung Đông.
Dòng vốn đầu tư trị giá hàng chục tỷ bảng Anh đã giúp London duy trì vị thế là một trong những thủ đô tài chính hàng đầu thế giới. Nhưng chính phủ đã lo ngại về nguồn gốc của một số tài sản, đặc biệt là sau hậu quả của việc Nga xâm lược Ukraine.
Theo chương trình này, người nước ngoài đầu tư 2 triệu bảng vào tài sản ở Anh có thể nộp đơn xin định cư sau 5 năm ở nước này. Đầu tư 10 triệu bảng cho phép nộp đơn sau 2 năm.
Bà Braverman cho biết cuộc rà soát cho thấy chương trình visa này "đã thu hút một số lượng chênh lệch gồm những người nộp đơn thuộc các quốc gia nằm trong sổ đen của Vương quốc Anh tập trung vào rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố".
Bà cho biết cuộc rà soát cũng tìm thấy "bằng chứng về việc những đương đơn thuộc diện rủi ro cao cũng chính là những người tìm cách sử dụng và thực sự khai thác các tổ chức tài chính có các biện pháp kiểm soát thẩm định khách hàng yếu nhất".
Chính phủ Anh từ chối đưa ra ước tính có bao nhiêu thị thực đã được cấp cho những người có tiền án, nhưng bà Braverman nói rằng 10 nhà tài phiệt đầu sỏ bị trừng phạt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine nằm trong số những người đã sử dụng hệ thống này. 10 người này không bị nêu danh tính.
Tổng cộng đã có hơn 12.000 thị thực vàng được cấp, trong đó có hơn 2.500 chiếc được cấp cho người Nga, theo dữ liệu của chính phủ Anh. Chương trình vẫn tiếp tục ngay cả sau khi ủy ban an ninh và tình báo chung của quốc hội Anh hồi năm 2020 cho rằng chính phủ đang "mở rộng vòng tay chào đón các nhà tài phiệt".
(Reuters)