Một người đàn ông Singapore đăng bài lên trang cá nhân hôm 2/1/2023 cáo buộc rằng ông này bị cán bộ xuất nhập cảnh tại sân bài Nội Bài, Hà Nội, vòi tiền khi ông làm thủ tục rời Việt Nam để về nước trong cùng ngày.
Viết trong trang Facebook mang tên Kugan Pillai, vị khách kể rằng một nam cán bộ Việt Nam giữ hộ chiếu của ông, viết lên vé máy bay chữ TIP, thường được hiểu là tiền boa, tiền bo ở Việt Nam.
“Tôi hỏi ông ta là [tiền boa] dành cho cái gì, nhưng ông ta cứ chỉ tay vào cái chữ mà ông ta đã viết ra. Tôi không biết phải làm gì và có thể cầu cứu ai mà tôi cũng đang vội cho kịp chuyến bay”, ông Pillai viết.
Ông “rốt cuộc đã đầu hàng” vị cán bộ và “đưa 500.000 đồng”, vẫn theo lời kể của du khách Singapore.
“Tôi biết rằng chuyện này có lẽ là chuyện thường ngày ở các nước khác nhưng tôi cảm thấy bị bắt làm con tin, nếu tôi không xùy tiền ra, tôi sẽ không được đóng dấu vào hộ chiếu”, ông Pillai viết, và cho biết thêm rằng ông đã báo vụ việc cho Bộ Ngoại giao Singapore cũng như các cơ quan đại diện ngoại giao của nước này ở Việt Nam.
Hôm 4/1, VOA liên lạc với ông Pillai để tìm hiểu thêm về câu chuyện của ông nhưng chưa nhận được hồi đáp. Cùng ngày, VOA gọi đến công an cửa khẩu tại sân bay Nội Bài qua các số điện thoại đường dây nóng được công bố để hỏi về phản ứng của họ đối với cáo buộc do ông Pillai đưa ra.
Một cán bộ trực điện thoại nói rằng “không biết, chưa nắm thông tin về vụ việc”. Một cán bộ khác đề nghị phóng viên VOA, có trụ sở ở thủ đô nước Mỹ, cần trực tiếp đến sân bay Nội Bài để làm việc. Khi VOA đặt câu hỏi là nếu giả định rằng vị khách Singapore đưa ra cáo buộc không đúng sự thật, phía công an cửa khẩu có lời cải chính nào không, vị cán bộ liền cúp máy.
Theo quan sát của VOA, bài đăng của nam du khách Singapore thu hút sự chú ý của khoảng 22.000 người bao gồm 14.000 phản ứng “yêu, thích, tức giận, buồn…”, gần 8.000 người lan truyền qua chức năng “share”, và hàng trăm lời bình luận của nhiều người nước ngoài, chủ yếu có nội dung tiêu cực về nạn tham nhũng vặt, vòi vĩnh ở Việt Nam.
Những người tham gia bình luận nhận xét rằng nạn vòi tiền như vậy phổ biến ở các nước thuộc thế giới thứ ba trong đó có Việt Nam, và rằng những lời phàn nàn, tố cáo không có tác dụng ngăn chặn được nạn này vì nhiều người đã làm như vậy hàng chục năm nay mà không đi đến đâu.
Họ nói thêm rằng không chỉ người nước ngoài bị vòi vĩnh mà chính những người Việt Nam bản địa cũng là nạn nhân.
Một vài người cho rằng tệ nạn này ở cửa khẩu Việt Nam là một trong những nguyên nhân làm du lịch của đất nước không phát triển mạnh, đặc biệt là rất lay lắt sau thời gian đóng cửa biên giới vì đại dịch COVID-19.
Một số người khác nói rằng họ từng rơi vào cảnh như vậy ở sân bay Việt Nam nhưng đã quyết định không đưa tiền cho nhân viên xuất nhập cảnh và cuối cùng vẫn không bị sao.
Bài viết của ông Kugan Pillai cũng được chia sẻ vào trong nhóm Facebook mang tên “Tôi và sứ quán” có hơn 45.000 người theo dõi. Nhóm này ra đời hồi năm 2015 và là diễn đàn để nhiều người đăng thông tin về nạn tiêu cực ở các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam trên thế giới.
Bài tố cáo của nam du khách Singapore nhận được hàng trăm lời bình luận trong nhóm “Tôi và sứ quán”, với nhiều người xác nhận rằng họ bị “làm khó” tại các cửa khẩu Việt Nam khi xuất, nhập cảnh, trong đó có những người bị nhân viên cửa khẩu đề nghị thẳng thừng là phải “cho anh em ít tiền café”.
Không ít người cho rằng việc một người nước ngoài tố nạn vòi tiền tại cửa khẩu của Việt Nam với công luận thế giới quả là chuyện “nhục nhã” cho đất nước.
“Thật đáng xấu hổ cho một đất nước đã nghèo kinh tế còn lại nghèo cả nhân cách, làm cho nước ngoài họ ghét mai mốt không ai dám qua du lịch thì đừng hỏi tại sao đất nước đã nghèo lại càng nghèo”, một người bày tỏ quan điểm.
Ngược lại với những lời xác nhận hoặc chỉ trích, một số người nói rằng họ xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam mà không bị vòi vĩnh hay gặp rắc rối gì.
Trong bảng xếp hạng về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2021 do tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố, Việt Nam đứng ở vị trí 87 trong số 180 nước và vùng lãnh thổ, thuộc diện các nước có khá nhiều tham nhũng; trong khi đó, Singapore đứng ở vị trí số 4, thuộc diện các nước trong sạch nhất.