Dự án nghiên cứu mang tên China Index 2022 (Chỉ số Trung Quốc 2022) với sự tham gia của nhiều bên vừa đưa ra kết quả cho thấy Trung Quốc có ảnh hưởng ít nhất đến Nhật Bản và Việt Nam ở Đông Á.
Theo tìm hiểu của VOA, China Index 2022 do tổ chức xã hội dân sự Doublethink thực hiện cùng với 9 đối tác ở các châu lục trên thế giới, thu thập dữ liệu về 82 nước ở 9 khu vực từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022. Doublethink được một số học giả Đài Loan lập ra năm 2019.
Theo kết quả nghiên cứu mà VOA xem được, Trung Quốc có ảnh hưởng ít nhất đến Việt Nam ở Đông Nam Á. Còn tính chung cả vùng Đông và Đông Nam Á, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc có mức độ ít nhất đối với Nhật Bản và ít nhì đối với Việt Nam.
Các lĩnh vực Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ phía Trung Quốc là chính sách đối ngoại, kinh tế và lực lượng chấp pháp, tức công an. Trong khi đó, ảnh hưởng của đất nước có 1,4 tỷ dân đến Nhật Bản nằm trong các lĩnh vực xã hội, chính sách đối ngoại và học thuật.
Trong bảng thứ tự về Đông và Đông Nam Á, các nước bị Trung Quốc ảnh hưởng nhiều nhất lần lượt là Campuchia, có vị trí số 2 trong số 82 nước được nghiên cứu, chỉ sau Pakistan ở Nam Á là láng giềng của Trung Quốc; Singapore (số 3/82), Thái Lan (4), Philippines (7), Malaysia (10), Đài Loan (11), Hàn Quốc (13) và Indonesia (16).
Tính chung trong 82 nước, Việt Nam đứng ở vị trí 43, thấp hơn nhiều các nước nêu trên và thuộc số 50% những nước chịu ảnh hưởng ít hơn từ Trung Quốc.
Các nước Đức (vị trí 19), Mỹ (21), Anh (27), Ý (33), Tây Ban Nha (40), Pháp (42) chịu ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhiều hơn so với Việt Nam, theo China Index 2022.
Vẫn kết quả của cuộc nghiên cứu cho rằng Pakistan chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Trung Quốc về công nghệ, chính sách đối ngoại và quân sự. Campuchia bị ảnh hưởng về lực lượng chấp pháp, quân sự và chính sách đối ngoại. Đối với Singapore, đó là công nghệ, học thuật và kinh tế; còn với Thái Lan, đó là quân sự, lực lượng chấp pháp và công nghệ.
Philipplines, nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, bị nước này ảnh hưởng đến chính trị trong nước, lực lượng chấp pháp và công nghệ.
Các tác giả cuộc nghiên cứu cho biết dữ liệu của họ được cập nhật lần gần đây nhất là ngày 15/11/2022. Đứng đầu dự án là hai ông Puma Shen thuộc Đại học Quốc gia Đài Bắc ở Đài Loan và Wu Min Hsuan thuộc Doublethink.
Ủy ban lập ra chỉ số gồm các học giả hoặc quan chức của 8 tổ chức gồm Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ, Viện MacDonald-Laurier, Viện Hoover tại Đại học Stanford, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, Viện Đài Loan Toàn cầu, Viện Doanh nghiệp Mỹ, Vụ Quốc gia về Nghiên cứu châu Á, và Trung tâm WTO và RTA Đài Loan.
Một năm trước khi có China Index 2022, một cuộc khảo sát của viện nghiên cứu về Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore ISEA-Yusof Ishak hồi năm 2021 cho thấy rằng so với các nước trong cùng khu vực, người Việt dè chừng nhất về tầm ảnh hưởng chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời ủng hộ nhiều nhất cho sự ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á.
Khảo sát của Viện ISEA-Yusof Ishak củng cố thêm một khảo sát khác của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở ở thủ đô nước Mỹ được công bố đúng ngày 30/4/2015, tròn 40 năm từ khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, cho thấy có tới 76% người Việt được hỏi đã trả lời rằng họ có quan điểm ủng hộ, yêu thích Mỹ, cựu thù của Việt Nam.