Tàu Soyuz rò rỉ khi ghép vào trạm ISS, 2 nhà du hành Nga phải hủy công việc ngoài không gian

Trạm vũ trụ ISS

Một cuộc tác nghiệp ngoài không gian thường lệ của hai nhà du hành vũ trụ người Nga trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bị hủy bỏ vào phút chót sau khi ban điều khiển chuyến bay phát hiện một dòng chất lỏng phun ra từ tàu vũ trụ Soyuz đã lắp ghép vào trạm, một buổi tường thuật trên mạng của cơ quan NASA cho hay.

Chất lỏng phun ra, có thể nhìn thấy trong video được NASA truyền trực tiếp trên mạng (livestream), trông giống như một dòng các bông tuyết phóng ra từ phần đuôi tàu Soyuz MS-22, và một nhà tường thuật của NASA mô tả đó là chất làm mát bị rò rỉ.

NASA cho biết không ai trong số 7 thành viên của phi hành đoàn trên trạm ISS hiện tại – gồm 3 phi hành gia người Nga, 3 phi hành gia NASA của Hoa Kỳ và 1 phi hành gia Nhật Bản – gặp phải bất kỳ sự nguy hiểm nào.

Sự cố xảy ra đúng lúc hai trong số các phi hành gia, là trưởng nhóm Sergey Prokopyev và kỹ sư bay Dimitri Petelin, đang chuẩn bị cho cuộc tác nghiệp ngoài không gian theo kế hoạch để di chuyển bộ tản nhiệt từ một mô-đun này sang một mô-đun khác trên khu vực của Nga trong trạm ISS.

Trong cuộc livestream, được phát đi từ Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA ở Houston, ông Rob Navias, nhà tường thuật của NASA, cho biết cuộc tác nghiệp ngoài không gian đã bị hủy bỏ vì tình trạng rò rỉ, mà ông nói là đã bắt đầu vào khoảng 1h45, giờ chuẩn quốc tế GMT, hôm 15/12.

Ông Navias cho hay tàu Soyuz đã đến trạm ISS vào tháng 9, đưa Prokopyev, Petelin và phi hành gia người Mỹ Frank Rubio đến trạm. Tàu này vẫn ghép vào trạm ở phía nhìn về trái đất.

Vẫn ông Navias cho rằng còn quá sớm nên chưa rõ vụ rò rỉ có tác động thế nào đến tính toàn vẹn của tàu Soyuz và liệu nó có gây khó khăn gì cho việc đưa phi hành đoàn trở về trái đất khi kết thúc nhiệm vụ hay không.

Có 5 tàu vũ trụ khác đang ghép vào trạm vũ trụ - 2 tàu vũ trụ SpaceX (1 tàu Crew Dragon chở người và 1 tàu Cargo Dragon chở hàng), 1 tàu chở hàng không gian Northrop Grumman Cygnus và 2 tàu tiếp tế của Nga, Tiến bộ 81 và Tiến bộ 82.

ISS, có chiều dài bằng một sân bóng đá và quay quanh quỹ đạo cách trái đất khoảng 400 kilomet, đã liên tục có người trên đó kể từ năm 2000, trạm được vận hành bởi một chương trình đối tác do Hoa Kỳ-Nga đứng đầu, với sự tham gia của cả Canada, Nhật Bản và 11 quốc gia châu Âu nữa.

(Reuters)