Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi trở thành Ngoại trưởng Anh hồi tháng 9 năm nay, ông James Cleverly hôm 12/12 cho biết rằng EU, Anh và Việt Nam đang có các kế hoạch hợp tác về chuyển dịch năng lượng công bằng.
Theo nội dung bài phát biểu được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh, ông Cleverly nói rằng phía Anh “sẽ hỗ trợ Nam Phi và Indonesia” với các kế hoạch về điều gọi là các Chuyển dịch Năng lượng Công bằng, và rằng “Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang làm việc về một thỏa thuận tương tự với Việt Nam”.
Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết rằng ông Cleverly đã đưa ra “tầm nhìn của mình” cho chính sách đối ngoại của Anh khi ông nói rằng “ảnh hưởng trong tương lai của Vương quốc Anh sẽ phụ thuộc vào việc thuyết phục và hợp tác cùng nhiều quốc gia hơn”, trong đó là các quốc gia ASEAN mà Việt Nam là một thành viên.
"Mục tiêu của Vương quốc Anh là chia sẻ tầm nhìn của mình và nhận được sự ủng hộ của những quốc gia này. Chúng ta cần đầu tư vào các mối quan hệ dựa trên nền tảng ‘ngoại giao kiên nhẫn’ – mang tính lâu dài, dựa trên sự tôn trọng, đoàn kết và sẵn sàng lắng nghe. Đây không phải là mối quan hệ đi dạy bảo hay chỉ đạo người khác phải hay nên làm gì, mà là một mối quan hệ cân bằng và có lợi cho đôi bên, dựa trên những lợi ích và nguyên tắc chung", theo nội dung bài phát biểu được Đại sứ quán Anh dẫn lại.
Theo cơ quan ngoại giao này, Ngoại trưởng Cleverly nhấn mạnh rằng sợi dây chung giữa các “cường quốc tương lai” mà Anh mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ này là thúc đẩy tăng trưởng và thoả mãn được khát vọng của thế hệ trẻ.
Đại sứ quán Anh ở Việt Nam cho biết, theo ông Cleverly, một trong những cách thức để thực hiện điều này là hướng tới nền kinh tế carbon thấp để lan toả được nhiều nhất các lợi ích và giảm thiểu được nhiều nhất các thiệt hại, và đó chính là tiến trình gọi là “Chuyển dịch Năng lượng Công bằng”.
Thêm nữa, ông Cleverly nói trong bài phát biểu rằng Anh cũng “sẽ chứng tỏ cam kết lâu dài đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có việc tham gia vào thỏa thuận thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương sớm nhất có thể”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu được diễn ra tại Glasgow năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phát biểu tại COP26, theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam, người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói rằng “là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế”.
Theo quan sát của VOA tiếng Việt, thời gian qua, Anh và Việt Nam đã tiến hành nhiều dự án nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, một vấn đề mà Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Tài Anh, người từng tham gia dự án với Anh, cho là “sẽ là đòn bẩy cho giai đoạn tăng trưởng sắp tới của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi xanh hậu COVID-19”.