Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói trong một cuộc họp hôm 27/11 với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh rằng: "Tất cả trái phiếu hiện nay đang có vấn đề là do phát hành không được kiểm soát. Cơ quan phải chịu trách nhiệm này là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước", theo tường thuật của báo chí trong nước hôm 28/11.
Tạp chí Vietnam Finance và báo Thanh Niên cho hay Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu như vậy khi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM Phan Văn Mãi, bàn về một số vấn đề, trong đó có việc cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh người dân Việt Nam giảm sút, nếu không nói là mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp sau khi các vụ lừa đảo về giao dịch trái phiếu của các tập đoàn bất động sản Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát bị phanh phui. Cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước siết chặt việc các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, vay tiền của các ngân hàng, khiến nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực sụp đổ.
Thanh Niên và Vietnam Finance dẫn lời Thủ tướng Chính nói rằng "Tất cả trái phiếu đang có vấn đề đều xuất phát từ việc chúng ta không kiểm soát tốt việc phát hành. Kiểm soát trái phiếu không thể nói là không có trách nhiệm của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước”.
Ông Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu, không để ngân hàng tự do cùng các nhà đầu tư, các trái chủ phát hành một cách không kiểm soát.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường kiểm tra hoạt động của các ngân hàng để nhận biết dòng tiền có đi lành mạnh, đúng chủ trương hay không, khi có vấn đề bất thường là phải can thiệp bằng công cụ nhà nước. Trong tình huống chưa có công cụ là cơ sở pháp lý rõ ràng, các cơ quan này phải thiết kế ra công cụ và trình các cấp có thẩm quyền.
Như VOA đã đưa tin, gần đây, Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận rằng dòng tiền trong dân đổ vào trái phiếu doanh nghiệp đang cạn dần trong khi dòng tiền rút ra ngày càng tăng, khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về huy động vốn.
Bộ xác nhận rằng các vụ lừa đảo liên quan đến Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát gây ra ảnh hưởng tiêu cực vì chỉ riêng vụ mất thanh khoản trái phiếu An Đông, công ty thành viên của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã ảnh hưởng đến 40.000 người dân trên khắp Việt Nam với tổng số tiền lên đến 25.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ đô la.
Thống kê của Bộ Tài chính, được báo chí dẫn lại, cho thấy lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 10 tháng đầu năm 2022 đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 328.900 tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ đô la Mỹ.
Việc sụt giảm này diễn ra theo một xu hướng trong năm: quý 1 đạt 134.800 tỷ đồng, sang quý 2 giảm còn 122.400 tỷ đồng, và đến quý 3 chỉ là 65.900 tỷ đồng, tức giảm hơn một nửa so với quý 1.
Ở chiều ngược lại, tốc độ các nhà đầu tư trả lại trái phiếu chưa đến ngày đáo hạn đang tăng nhanh. Bộ Tài chính cho biết khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152.500 tỷ đồng, tăng đến 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các tổ chức tín dụng, chiếm trên 41% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. Khối bất động sản và xây dựng chiếm vị trí thứ hai với tỷ trọng trên 36%.