Nỗ lực do phương Tây dẫn đầu nhằm lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là chủ đề bao trùm ở hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 vào hôm thứ Ba 15/11 tại đảo Bali của Indonesia, nơi các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn phải vật lộn với một loạt các vấn đề từ nạn đói cho đến các mối đe dọa hạt nhân.
Cuộc xâm lược ngày 24/2 của Tổng thống Vladimir Putin vào nước láng giềng Ukraine đã gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu và làm hồi sinh tình trạng chia rẽ địa chính trị của thời Chiến tranh Lạnh giữa lúc thế giới đang hồi phục từ đại dịch tồi tệ nhất là COVID-19.
Giống như tại các diễn đàn quốc tế khác gần đây, Hoa Kỳ và các đồng minh đang theo đuổi việc đưa ra một tuyên bố từ hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của G20 để lên án hành động quân sự của Moscow.
Nhưng Nga cho rằng việc “chính trị hóa” hội nghị thượng đỉnh là không công bằng.
“Có một cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, một cuộc chiến hỗn hợp mà phương Tây đã gây ra và đã chuẩn bị trong nhiều năm”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, và nhắc lại câu nói của ông Putin rằng việc mở rộng liên minh quân sự NATO đe dọa đến Nga.
Một dự thảo tuyên bố dài 16 trang, mà Reuters đọc được, đã thừa nhận có sự rạn nứt. Các nhà ngoại giao cho biết dự thảo này vẫn chưa được các nhà lãnh đạo thông qua.
“Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra những đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những yếu kém hiện có trong nền kinh tế toàn cầu”.
“Đã có những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt”, dự thảo nói.
Hội nghị thượng đỉnh là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G20 kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine. 20 quốc gia chiếm hơn 80% GDP của thế giới, 75% thương mại quốc tế và chiếm 60% dân số của thế giới.
“CỨU THẾ GIỚI”
Nước chủ nhà Indonesia đã phải lên tiếng yêu cầu sự thống nhất và tập trung vào việc hành động để giải quyết các vấn đề như lạm phát, nạn đói và giá năng lượng cao. Tất cả các vẫn đề này đều trở nên trầm trọng hơn vì chiến tranh Ukraine.
“Chúng ta không có lựa chọn nào khác, cần có sự hợp tác để cứu thế giới”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói.
“G20 phải là chất xúc tác cho sự phục hồi kinh tế toàn diện. Chúng ta không nên chia thế giới thành nhiều phần. Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa”, tổng thống Indonesia nói thêm.
Dự thảo tài liệu hội nghị thượng đỉnh cũng cho biết các ngân hàng trung ương G20 sẽ điều chỉnh thắt chặt tiền tệ với vấn đề lạm phát toàn cầu, trong khi việc kích thích tài khóa nên “tạm thời và có mục tiêu” để giúp cho những thành phần dễ bị tổn thương trong khi không làm tăng giá.
Về vấn đề nợ, dự thảo bày tỏ lo ngại về tình hình “xấu đi” của một số quốc gia thu nhập trung bình và nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các chủ nợ trong việc chia sẻ gánh nặng một cách công bằng.
Tuy nhiên, dự thảo không đề cập đến Trung Quốc, quốc gia bị phương Tây chỉ trích vì trì hoãn nỗ lực giảm sức ép về nợ cho một số nền kinh tế mới nổi.
NỐI LẠI QUAN HỆ MỸ - TRUNG?
Có một dấu hiệu đáng khích lệ trước thềm hội nghị thượng đỉnh, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, hai quốc gia ngày càng trở nên lạnh nhạt với nhau, đã gặp nhau và cam kết liên lạc thường xuyên hơn.
Cả hai lãnh đạo đều tuyên bố phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, theo các bản tin từ cả hai bên.
Nga nói họ có quyền sử dụng bất kỳ phương tiện nào bao gồm cả khả năng hạt nhân để bảo vệ an ninh của mình.
Trung Quốc và Nga gần gũi nhau, nhưng Bắc Kinh đã cẩn thận không cung cấp bất kỳ hỗ trợ vật chất trực tiếp nào cho cuộc chiến Ukraine có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc chiến này.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ông Tập nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc gặp song phương khác rằng Bắc Kinh chủ trương ngừng bắn ở Ukraine và đàm phán hòa bình.
Các nhóm xã hội dân sự chỉ trích tuyên bố dự thảo G20 vì đã không hành động về nạn đói, không tăng cường nỗ lực tài trợ cho phát triển và không đề cập đến cam kết trước đó là cung cấp 100 tỷ USD tài trợ về khí hậu vào năm 2023.