Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu tại hội nghị khí hậu COP27 ở Ai Cập hôm 11/11, trong đó nói rằng cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đã đặt ra mối đe dọa sống còn đối với hành tinh và hứa rằng Mỹ đang làm phần việc của mình để đẩy lùi biến đổi khí hậu.
“Cuộc khủng hoảng khí hậu là về an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh quốc gia và chính cuộc sống của hành tinh,” ông Biden nói, trước khi nêu ra các bước đi mà Mỹ, nước phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, đang thực hiện.
“Tôi có thể đứng ở đây với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ và tự tin nói rằng, Hoa Kỳ sẽ đáp ứng các mục tiêu phát thải của chúng tôi trước năm 2030,” ông nói.
Bài phát biểu của ông Biden nhằm nhắc nhở đại diện các nước đang tề tựu tại Sharm el-Sheikh tiếp tục duy trì mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên của hành tinh trong bối cảnh có một loạt các cuộc khủng hoảng - từ cuộc chiến tranh trên đất liền ở châu Âu đến lạm phát tràn lan - làm sự tập trung quốc tế bị xao nhãng.
“Trong bối cảnh đó, điều cấp bách hơn bao giờ hết là chúng ta tăng cường các cam kết về khí hậu của mình. Cuộc chiến của Nga chỉ càng đẩy mạnh tính cấp bách của nhu cầu chuyển đổi thế giới khỏi phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch,” ông nói.
Trước khi ông đến, chính quyền Biden đã tạo tiền đề với việc công bố kế hoạch trong nước nhằm quyết liệt cắt giảm lượng khí thải metan của ngành dầu khí Mỹ, một trong những loại khí nhà kính mạnh nhất bất chấp nhiều tháng vận động hành lang của các hãng khoan dầu.
Washington và EU cũng đang có kế hoạch ra tuyên bố chung vào ngày 11/11 trong đó cam kết sẽ có thêm hành động đối với khí metan trong ngành dầu mỏ, dựa trên một thỏa thuận quốc tế được đưa ra hồi năm ngoái mà kể từ đó đã được 119 nước ký kết để cắt giảm 30% lượng khí thải trên toàn nền kinh tế trong thập kỷ này.
Một phúc trình của Liên Hợp Quốc được công bố hồi tuần trước cho thấy lượng khí thải toàn cầu đang trên đà tăng 10,6% cho đến năm 2030 so với mức năm 2010, ngay cả khi các cơn bão, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt tàn khốc đã gây thiệt hại hàng tỷ đô la trên toàn thế giới.
Các nhà khoa học cho biết lượng khí thải phải giảm 43% cho đến lúc đó để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp như mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 - ngưỡng mà nguy cơ biến đổi khí hậu bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát.