Bộ Công Thương Việt Nam vừa yêu cầu Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật của WTO tại Việt Nam) có ý kiến với EU xem xét giảm thiểu các biện pháp kiểm tra sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam về dư lượng ethylene oxide (EO), còn được gọi là “chất cấm” hoá học trong thực phẩm.
Yêu cầu của Bộ Công Thương được đưa ra trong một tài liệu được gửi tới Văn phòng SPS vào ngày 28/10 để chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ 84 của Ủy ban SPS của WTO.
Trước đó, vào tháng 2 năm 2022, EU đã liệt kê mì ăn liền của Việt Nam là sản phẩm phải tuân theo các quy định về kiểm soát dư lượng EO.
Trong tháng 7 vừa qua, hàng loạt các nước EU đã đưa ra cảnh báo và cấm một số loại mì ăn liền và bánh phở khô của Việt Nam vì vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Trong đó, Đức cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà và hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (Thuận An, Bình Dương) có chứa chất cấm ethylene oxide vượt ngưỡng quy định của EU. Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon, quận Tân Phú, TP.HCM) và trả lại hàng. Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia vì lý do bánh phở được sản xuất từ gạo biến đổi gene bất hợp pháp nên nước này thu hồi sản phẩm.
“Cho tới nay, qua hơn 8 tháng triển khai quy định trên, việc cấp chứng nhận cho từng lô hàng mì ăn liền xuất khẩu vào EU đã và đang tạo gánh nặng đáng kể về hành chính và chi phí thương mại đối với Việt Nam”, Tạp chí Thương Trường dẫn văn bản của Bộ Công thương nói.
Bộ ngày đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thảo luận với các cơ quan liên quan và giải trình sự khác biệt trong việc áp dụng các quy định về kiểm soát dư lượng EO đối với thực phẩm ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Bộ Công thương cũng yêu cầu EU cung cấp số liệu thống kê và đánh giá về việc kiểm soát dư lượng EO trong mì ăn liền của Việt Nam kể từ tháng 2 năm 2022, giảm thiểu các biện pháp kiểm tra EO cũng như yêu cầu về giấy chứng nhận dư lượng EO, từ đó từng bước loại bỏ các biện pháp này.
Việc sử dụng EO trong thực phẩm, nông nghiệp hay giới hạn về dư lượng EO trong thực phẩm đã được nhiều quốc gia trên thế giới quy định và áp dụng chặt chẽ lâu nay. Tại EU, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp.
Cho đến nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.