Tòa án Bảo hiến Thái Lan hôm thứ Sáu 30/9 phán quyết rằng Thủ tướng Prayuth Chan-ocha chưa giữ chức quá mức tối đa là 8 năm theo quy định, điều này dọn đường cho nhân vật từng cầm đầu đảo chính được quay trở lại sau 5 tuần bị đình chỉ chức vụ.
Phán quyết này sẽ là một cú hích lớn cho ông Prayuth, người trung kiên theo chủ nghĩa bảo hoàng, và người mà trong nhiệm kỳ thủ tướng đã vấp phải những nỗ lực muốn làm ông mất chức, bao gồm 4 lần bỏ phiếu tín nhiệm ở hạ viện, một vụ kiện về xung đột lợi ích và các cuộc biểu tình chống vai trò lãnh đạo của ông và chế độ quân chủ.
"Bị cáo ... đã ở nắm chức thủ tướng không vượt quá giới hạn do hiến pháp quy định", một thẩm phán cho biết khi đọc phán quyết trên truyền hình dài 25 phút. "Vì vậy, ông ấy không bị loại”.
Vụ kiện này do đảng Pheu Thai đối lập tiến hành. Chính phủ của đảng này đã bị lật đổ cách đây 8 năm bởi bàn tay của Tổng tư lệnh quân đội khi đó, chính là ông Prayuth.
Mặc dù thể hiện rằng ông miễn cưỡng trở thành nhà lãnh đạo và chỉ muốn nắm quyền trong thời gian ngắn, song ông đã giữ chức thủ tướng trong chính quyền của giới quân nhân cho đến cuộc bầu cử vào năm 2019, sau đó quốc hội bầu ông giữ chức thủ tướng.
Các thẩm phán đã bỏ phiếu hôm 30/9 với tỷ lệ 6-3 ủng hộ ông, và tòa án kết luận rằng nhiệm kỳ của ông bắt đầu từ năm 2017, khi hiến pháp mới được ban hành, đồng nghĩa là ông có thể giữ chức cho đến năm 2025 nếu được bầu lại. Sẽ có bầu cử trước tháng 5 năm sau.
Ông Prayuth, 68 tuổi, đã bị đình chỉ chức vụ trong khi tòa án giải quyết vụ kiện. Ông là một trong những thủ tướng tại vị lâu nhất ở Thái Lan, quốc gia đã chứng kiến hơn 10 cuộc đảo chính trong thế kỷ qua và có nhiều nhà lãnh đạo xuất thân từ quân đội.
Một cuộc thăm dò dư luận hồi đầu tháng 8 cho thấy mức độ được lòng dân của ông đã giảm dần, với gần 2/3 số người được hỏi muốn ông rời chức vụ, trong khi 1/3 cho rằng tòa án nên quyết định về việc này.
Đảng Pheu Thai cho rằng phán quyết kể trên cho thấy đã đến lúc phải cải tổ tòa án để tạo ra "sự kiểm soát và cân bằng đúng mức".
Đảng Pheu Thai là tổ chức mới nhất có nhiều đấu tranh chính trị do tỷ phú, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra tạo lập. Ông Thaksin là người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2006.
Rất nhiều người biểu tình đã tập trung ở trung tâm Bangkok để lên án phán quyết và họ kêu gọi các đảng phái đối lập cũng như các nhà hoạt động cùng hợp lực trong các cuộc biểu tình để loại bỏ ông Prayuth.
(Reuters)