Chỉ số thị trường chứng khoán chính của Việt Nam, VN-Index, liên tiếp giảm trong 5 phiên gần đây, xuống đáy trong vòng 19 tháng vào hôm 29/9, chỉ đạt dưới ngưỡng 1.130 điểm.
Biến động về chỉ số VN-Index cũng gần giống sự thay đổi về lượng vốn hoá chứng khoán niêm yết trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, theo đó, khi chỉ số này giảm sâu, lượng vốn hóa cũng bay hơi đáng kể.
Mức vốn hóa hiện tại trên sàn Tp.HCM hiện xấp xỉ 4,64 triệu tỷ đồng, giảm hơn 1,3 triệu tỷ đồng - tương đương 55 tỷ đô la - so với mức 5,96 triệu tỷ đồng hồi đầu năm.
Nếu so sánh giữa hiện tại với thời điểm VN-Index lập đỉnh lịch sử là 1.530 điểm vào ngày 4/4/2022, giá trị vốn hoá giảm 1,4 triệu tỷ đồng, tức xấp xỉ 59 tỷ đô la, báo mạng VNExpress cho biết.
Trang CafeF đưa tin rằng các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ giảm điểm mạnh trong những ngày qua, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục nâng lãi suất đáng kể để chống lạm phát, đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý giới đầu tư trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Mặc dù được đánh giá ít chịu ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài hơn so với các nước mới nổi nhưng rõ ràng Việt Nam cũng khó đứng ngoài xu hướng tăng lãi suất do áp lực tỷ giá”, theo một bản tin của CafeF.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%, có hiệu lực từ ngày 23/9, CafeF cho hay.
“Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán bởi đây là một kênh đầu tư thay thế khả dĩ nhất ở thời điểm hiện tại”, vẫn CafeF đưa ra phân tích.
Cùng với tình trạng chung khi thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh là việc khối tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cũng vơi đi đáng kể, CafeF cho biết.
Một bản tin của báo mạng này đưa ra quan sát rằng tính chung từ đầu năm, tổng giá trị cổ phiếu do 20 người giàu nhất sàn chứng khoán nắm giữ đã giảm 162 nghìn 500 tỷ đồng, tức gần 7 tỷ đô la, so với cuối năm 2021, giờ đây xuống còn gần 488 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm 25%, sâu hơn một chút so với mức giảm 23% của VN-Index.
Đứng đầu danh sách 20 người giàu nhất Việt Nam ở thời điểm ngày 27/9, căn cứ vào giá trị cổ phiếu, vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup, với 134,8 nghìn tỷ đồng, dù đã mất 36% giá trị cổ phiếu, tương đương với mất 75,3 nghìn tỷ đồng.
Một loạt các tỷ phú khác trong cùng danh sách cũng chứng kiến giá trị cổ phiếu mất trên 30% là bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Vingroup, với mức âm 36%; bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Vingroup, -36%; ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, -37%; bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long, -37%; ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone, -42%.
Một số tỷ phú có cổ phiếu mất giá từ 25-28% gồm ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank; ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group; và ông Nguyễn Văn Đạt, chủ tịch hãng Phát Đạt.