Triều Tiên ra luật mới về hạt nhân, cho thấy ông Kim Jong Un sợ bị ‘đánh rắn dập đầu’

Triều Tiên nhiều lần công bố họ có khả năng phóng vũ khí hạt nhân liên lục địa.

Một luật mới của Triều Tiên quy định tiến hành các vụ phóng hạt nhân "tự động" nếu hệ thống lãnh đạo hoặc chỉ huy và kiểm soát của nước này bị đe dọa. Điều này nhấn mạnh sự lo ngại của lãnh tụ Kim Jong Un về một cuộc tấn công "đánh rắn dập đầu", các chuyên gia nhận xét.

Trong một đạo luật cập nhật về chính sách hạt nhân được thông qua hôm thứ Năm 8/9, Triều Tiên quy định quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ, cùng với đó, ông Kim nói rằng đạo luật này làm cho vị thế hạt nhân của nước này trở nên "không thể đảo ngược" và cấm các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Luật này vạch ra những thời điểm Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân của mình, bao gồm trường hợp có một cuộc tấn công vào ban lãnh đạo của chính phủ hoặc hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân.

"Trong trường hợp hệ thống chỉ huy và kiểm soát các lực lượng hạt nhân của nhà nước gặp nguy hiểm do bị các thế lực thù địch tấn công, một cuộc tấn công hạt nhân sẽ được phát động tự động và ngay lập tức để tiêu diệt các thế lực thù địch", luật này nêu rõ, theo bản tin của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.

Ông Ankit Panda, thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nói rằng ông Kim có "quyền chỉ huy đơn nhất" đối với các lực lượng hạt nhân, nhưng qua từ ngữ của luật có thể hiểu rằng nếu ông ta bị giết, một quan chức cấp cao sẽ được chỉ định để chuẩn thuận các cuộc tấn công hạt nhân.

"Ý chính ở đây là thông báo với Hoa Kỳ và Hàn Quốc rằng việc đánh dập đầu bộ máy lãnh đạo Triều Tiên sẽ không làm cho họ thoát được việc bị trả đũa hạt nhân", ông nói, và lưu ý rằng đã có tiền lệ ở các quốc gia hạt nhân khác, kể cả chính Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh.

Cả Mỹ và Nga đều đã sử dụng các hệ thống kỹ thuật, bao gồm cả "Bàn tay thần chết" khét tiếng của Liên Xô, là hệ thống được thiết kế để đảm bảo việc trả đũa hạt nhân ngay cả khi các nhà lãnh đạo bị giết.

Ngày nay, hệ thống "đảm bảo chết chóc trong trường hợp xấu" kiểu đó ít có khả năng được áp dụng ở Triều Tiên, ông Panda nói.

"Tôi dự đoán rằng, ở thời điểm hiện nay, hệ thống đảm bảo chết chóc sẽ dựa vào các bước tuân theo tổ chức: ví dụ, Bí thư thứ nhất của Đảng Công nhân có thể xác nhận rằng ông Kim Jong Un đã bị giết trong một cuộc xung đột, do đó cho phép phóng đi vũ khí hạt nhân", ông nói.

Mặc dù Hàn Quốc và Mỹ nói rằng họ không tìm cách thay đổi chính phủ Triều Tiên bằng vũ lực, nhưng cả hai nước đều có các kế hoạch chiến tranh với hàm ý tấn công vào ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng.

(Reuters)